Món ăn bổ dưỡng này cũng là một vị thuốc theo đông
y nên việc sử dụng nhất thiết phải đúng liều lượng và đúng cách. Trứng
vịt lộn trước khi sử dụng phải được rửa sạch, đun thật chín.
Người lớn chỉ nên ăn tối đa hai trứng vịt lộn mỗi ngày. Ảnh: Thuận Kiều
Theo đông y, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị là một bài thuốc, dùng chữa các chứng thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý… Trong đó trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, mạnh chân gối, ấm bụng, chống đầy bụng khó tiêu… Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hoá, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục… Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy trong một trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốtpho, 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten (435µg), vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…
Ăn mấy trứng mỗi ngày là vừa?
Ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gút (gout). Mặt khác, ăn nhiều rau răm sống sẽ sinh nóng rét, giảm khả năng tình dục. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và vài chất ức chế dục tính. Phụ nữ hành kinh ăn nhiều rau răm sống dễ sinh rong huyết. Các sản phụ cũng không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Số lượng trứng vịt lộn sử dụng hợp lý nhất là: trẻ em: chỉ nên ăn tối đa một quả/ngày; người lớn: ăn tối đa hai quả/ngày.
Khi ăn nên kèm gia vị. Lượng gia vị phù hợp cho một lần ăn tối đa hai trứng là khoảng 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi. Trường hợp sử dụng món trứng vịt lộn để cải thiện sức khoẻ lâu dài, cần hạn chế ăn các loại gan gia súc, gia cầm… hoặc uống thuốc có sinh tố A hàm lượng trên 1.000UI. Trứng vịt lộn trước khi sử dụng phải được rửa sạch, đun thật chín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét