Xôi lúa. (Nguồn: Internet)
Dừng chân bên gốc cây đầu ngõ, cạnh ngôi nhà bên phố, nhận từ tay người bán hàng gói xôi nếp nóng hổi, thơm nồng trong tấm lá sen xanh của đất Tương Mai, thấy ấm lòng vì hương vị quê hương thật đậm đà.
Bà bán xôi lúa tên Lê Thị Thu trên phố Trương Định, đất Hoàng Mai, tuổi đã ngót nghét 70. Bà Thu dẻo tay đơm ngô vào tấm lá sen thơm dịu, rồi cầm quả đỗ màu vàng chanh, to bằng quả bưởi Diễn, dùng con dao mỏng thoăn thoắt lia những đường sắc ngọt. Từng lát đỗ rơi nhè nhẹ, phủ xuống những hạt ngô no tròn. Tay bà lại khéo léo rắc hành phi như điểm hoa lên bề mặt gói xôi rồi rưới chút mỡ nước thơm phức lên trên. Tấm lá sen gói lại, buộc cẩn thận bằng chiếc lạt rơm.
Gói xôi giản dị thế thôi nhưng khi nhai một miếng xôi sần sật với đủ cả mùi vị: Bùi, béo, ngậy, thơm, ngọt, dẻo, ngon đến lạ. Xung quanh thúng xôi lúa, người ăn ngồi ngay trên vỉa hè, người đứng tựa gốc cây, có người thong thả cất gói xôi vào túi xách rồi nổ máy, phóng xe đi.
Vừa bán hàng, bà Thu vừa nhẹ nhàng: "Giếng Tương Mai vừa trong vừa mát/ Đường Tương Mai mới lát dễ đi/ Nghề làng: xôi lúa, hành phi/ Xa xôi bạn nhớ những gì quê hương."
Kể cũng lạ, kho tàng ẩm thực Hà thành như bất tận, với đủ cả món ngon thức lạ, từ phở, bún chả, cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng đến cả những món ngon quê mùa, mộc mạc như xôi lúa Tương Mai.
Rồi bà Thu buông lời: Xôi lúa ăn quanh năm, nhưng ngon nhất là vào buổi sáng những hôm tiết trời se lạnh, cuối thu, đầu đông. Lúc ấy, mới cảm nhận hết vị ngon của xôi lúa.
Muốn nấu món xôi lúa ngon, người chế biến cần chọn loại gạo nếp mẩy, trắng, đều hạt. Riêng ngô thì cần loại ngô nếp già, thứ hạt quá lứa lỡ thì, hấp thụ hết nắng gió mà đanh lại. Sau đó, ngô nếp đãi sạch, bung nhừ rồi trộn lẫn với ít gạo nếp dẻo, đủ để hạt ngô này dính với hạt ngô khác.
Còn đỗ xanh đãi sạch, bỏ vào chõ đồ chín, giã nhuyễn. Và khi đỗ vẫn còn nóng, người ta dùng tay nắm lại, nắm từng quả đỗ tròn nhỏ đắp lên nhau cho đến khi nắm đỗ to bằng quả bưởi Diễn. Nắm đỗ chặt, tuyệt đối không được để ướt quá, bởi nếu không khi cắt miếng đỗ sẽ bị bết. Đỗ cũng không được để quá khô vì khi cắt, miếng đỗ sẽ rời rạc. Hành khô xắt miếng cho vào chảo mỡ phi đến khi nào miếng hành chín đều, giòn mà không gãy vụn. Thế là có được món xôi lúa ngon tuyệt!
Câu chuyện về món xôi lúa như dẫn dắt thực khách tìm về, lục lại ký ức của làng Tương Mai (đường Trương Định, quận Hoàng Mai) ở phía Nam kinh thành Thăng Long hàng trăm năm về xưa. Đó là nơi tạo ra một món ăn ngon lành, hấp dẫn đến kỳ lạ từ ngô.
Nghe kể lại rằng, ngày xưa Tương Mai từng là điểm dừng chân của người phương xa trước khi vào nội đô. Trên con đường thiên lý, trạm Hà Mai ở đây chính là nơi nghỉ chân, đổi ngựa của quan khách trước khi chuyển công văn, giấy tờ từ trong Nam vào thành và ngược lại. Nhờ một vị trí đặc biệt như thế, người dân Tương Mai từ xưa đã biết đem những sản vật quê mình ra buôn bán, phục vụ khách qua đường. Món ngon xôi lúa mang thương hiệu Tương Mai khởi nguồn từ đó. Và hương vị món ăn dân dã kết tinh cuộc sống của người lao động một nắng hai sương ấy đã góp phần nuôi nấng bao thế hệ người làng này.
Hà thành trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay có bao món ngon quyến rũ với đủ mọi hương vị, và xôi cũng có đủ loại, từ xôi lạp xường, xôi ba tê ruốc, đến xôi trắng ăn kèm với thịt. Nhưng xôi lúa Tương Mai vẫn tiếp tục níu chân thực khách - từ người cao sang đến người có thu nhập vừa phải, khiêm tốn, như món quà sáng ngon lành mang bên mình hương vị quê hương nồng đượm. Và cũng có điều rất thú vị, nếu ai đó bước vào những quán xôi lúa ven đường, bên vỉa hè, nhỏ nhẹ cất tiếng gọi "Cho gói xôi lúa", ắt hẳn, đó là người Hà Nội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét