Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Bánh tro Đức Sở - Món quà quê thanh khiết

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Về Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong tiết trời giao mùa xuân- hạ, thưởng thức đĩa bánh tro nuột nà được rưới thêm chút mật mía ngọt ngào, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn vị dẻo thơm của hạt gạo mới, chút hương nồng nồng của nước tro rơm nếp quyện lẫn vị ngọt dịu, thanh mát của mật mía và cả nét tài hoa trong cách thức làm nên món quà quê giản dị này.

Anh Nguyễn Tuấn Cần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắc Sở tự hào cho biết, tuy đều thuộc vùng đất cổ Kẻ Giá, nhưng nếu người dân xã Yên Sở tự hào với đặc sản bánh gai thì người Đắc Sở lại coi bánh tro là một thứ quà độc đáo của quê hương.

Không chỉ là để thưởng thức trong gia đình hay là món ăn đãi khách mà bánh tro còn được người Đắc Sở mang đi bán rộng rãi ở các chợ, ngõ phố và một số quán ăn dân tộc ở khu vực nội thành Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Huê,  người làm bánh tro thuộc loại "cự phách” luôn có bánh tro bán quanh năm ở thôn Trung Kỳ, xã Đắc Sở giới thiệu: Nguyên liệu làm bánh tro rất đơn giản, chỉ gồm gạo nếp, nước tro của những sợi rơm nếp sạch, chút vôi, lá chuối hoặc lá dong và mật mía.

Điều đặc biệt là bánh tro Đắc Sở với dáng hình xinh xắn còn lá thứ bánh ”tốn” rất ít nguyên liệu. Mỗi ngày, chỉ cần chừng 3-5kg nếp, chị Huê đã có được 70-200 chiếc bánh, đủ cho một gánh hàng bánh tro bán hết veo trong ngày.

Nguyên liệu quen thuộc, đơn giản, nhưng để có được chiếc bánh nuột nà, đậm hương vị quê phụ thuộc rất nhiều vào tài nghệ chế biến của người làm bánh.

Người làm bánh phải tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn nếp, cách gạn nước tro, khâu gói và luộc bánh.

Để có thứ nước tro trong, thơm thoang thoảng, người làm bánh phải lấy rơm nếp sạch đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa thêm chút vôi để nước tro lắng lại, chắt lấy phần nước trong, bỏ cặn.

Gạo nếp sau khi được vo, đãi sạch sẽ được ngâm trong nước tro khoảng 3-4 tiếng đồng hồ và vớt ra để ráo nước, đợi được gói.

Lá chuối hoặc lá dong cũng được rửa sạch, hấp cách thủy cho mềm và đảm bảo vệ sinh rồi mới lau khô đem gói bánh.

Theo người làm bánh tro ở Đắc Sở, chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới được bóc ra chứ chưa cần thưởng thức. Bởi vậy, hình dáng và màu sắc của bánh là rất quan trọng.

Người gói bánh phải cẩn thận, khéo léo cho gạo nếp vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép lá ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối.

Dây chuối buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.

Ở Đắc Sở, không gia đình nào mà không biết làm bánh tro. Ngày hội làng, ngày Tết hay đơn giản hơn là trong bữa cơm mời khách, người Đắc Sở thường có đĩa bánh tro thơm mát dùng làm món tráng miệng.

Đắc Sở có nhiều hộ làm bánh tro quanh năm và trực tiếp đi bán hoặc phục vụ các đơn đặt hàng của một số nhà hàng, khách sạn.

Không phải là món ăn cao sang, vậy mà đĩa bánh tro Đắc Sở nuột nà, mềm mại óng ánh sắc vàng nâu cho đến hôm nay vẫn là thứ quà quê giản dị mà thanh khiết, thơm thảo được người Hà Nội-Tràng An ưa thích./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét