| In | |
Cuối năm. Mưa dầm. Gió bấc. Và cái rét lạnh sắt se da thịt khiến tôi lại nhớ những tháng ngày thơ ấu sống với mẹ cha ở nơi quê nhà. Là vùng trung du, Tiên Phước có vô số những cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp đẹp như tranh vẽ với những khe suối bờ mương uốn lượn quanh các gò đồi tròn như bát úp. Chẳng rõ do địa hình và thời tiết hanh khô của tháng giêng hai, hay do loài cá rô biết được quy luật của đất trời mà có những cuộc di cư để tồn tại và sinh sôi phát triển. Người dân quê tôi với kinh nghiệm truyền đời đã nắm bắt được thời điểm loài cá rô di cư để đơm đó, đặt đuộc... Khi lũ lụt qua đi. Những cơn mưa rửa bùn gội xanh cây cối. Đấy cũng là thời điểm những con cá rô mề vào mùa giao phối để duy trì nòi giống. Những hố hóc nho nhỏ do dấu chân trâu bò tạo ra là nơi trú ngụ của những gia đình cá rô mề. Thế hệ thứ hai của loài cá đồng có vi lưng khá cứng sắc này, người dân quê tôi thường gọi là cá rô thóc, hoặc cá rô ron. Bé con, nhanh nhạy, từ thửa ruộng dưới chúng thóc lên thửa ruộng trên qua những lỗ nước chảy liu riu một cách dễ dàng. Rất khôn ngoan, chúng lựa chọn chỗ có những bụi cỏ ron xùm xòa để ẩn náu. Chỉ sau hơn hai tháng được sinh ra, những con cá rô ron đã to bằng ngón tay cái. Mặc áo tơi lá. Hông đeo giỏ cá bằng tre đan có hình dáng tựa trái bầu khô. Tay cầm nơm. Vai vác nhũi. Những người dân quê lầm lũi ra đồng bắt cá. Bắt cá bằng nơm chỉ úp chụp được cá rô mề, cá rô ron, cá lóc. Còn bắt cá bằng nhủi, tuy vất vả hơn vì tốn công nhọc sức, nhưng bù lại được đủ thứ lộc trời. Nào tôm tép, cua cáy, niềng niễng, cá rô mề, cá rô ron, cá nhét, cá tràu... Ở đâu có người nhủi cá là ở đấy nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút bọn trẻ chăn trâu nhập cuộc. Chúng hôi cá, la hét cười đùa rộn vang đồng vắng. Rồi chúng lấy con cúi rơm nhen bếp lửa hồng bên gộp đá, nướng cua cá chấm với muối ớt thủ sẵn trong túi áo khi đi chăn trâu cắt cỏ để ăn chơi. Ra đồng kiếm sống lúc nông nhàn, những người dân quê vừa có cái để cải thiện bữa ăn cho cả gia đình, vừa có mớ cá đồng đem ra chợ bán kiếm ít tiền trang trải chi tiêu trong những ngày đông tháng giá. Rồi vụ đông xuân đã đến. Công việc đồng áng chỉ làm trong một tháng là xong. Bước sang nửa tháng chạp, lúa lên xanh trên các cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp đẹp như tranh vẽ. Mưa xuân như khói như sương giăng mắc khắp nơi. Lỗ nước ở các chân ruộng được kê đắp lại nhằm giữ mực nước ước chừng một phần tư cây lúa. Hình như cá rô ron biết được quy luật của đất trời, qua tiết giêng hai là những tháng ngày hanh khô. Chúng không muốn bị “cầm tù” ở những chân ruộng dần cạn nước và khan hiếm thức ăn. Hạ tuần tháng chạp, những cơn mưa đền cây làm cho nước ở các chân ruộng đầy lên, chảy tràn qua các lỗ nước được kê đắp lại. Cá rô ron nhân cơ hội ấy hồi cư về các bờ mương khe suối. Người dân quê tôi nắm được đặc điểm đó của cá rô ron nên đem đuộc đặt ở các lỗ nước để bắt. Chỉ cần chịu khó ra đồng đơm đuộc chừng mươi mười lăm chiếc, sau một đêm cũng kiếm được vài ba cân cá rô ron. Chế biến loài cá đồng này khá đơn giản. Làm sạch ruột. Rửa sạch nhớt. Sau đó, lấy que tre xiên thành từng trụi. Rồi nướng bằng lửa than khoảng mươi phút, những con cá rô ron chín vàng, tỏa mùi thơm đầy quyến rũ. Trong bữa cơm ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, cá rô ron nướng giòn dầm nước mắm gừng là món nhiều người khoái khẩu. Bởi thịt mỡ dưa hành trong ba ngày xuân ngày tết, thưởng thức hoài, đâm ngán! Cá rô ron - món ăn dân dã, tuy không cao lương mỹ vị nhưng lại giúp mọi người “dằn bụng”. Đặc biệt, với cánh đàn ông, cá rô ron nướng là thứ “đưa cay” tuyệt vời! Uống ly rượu gạo trong veo như mắt mèo, nhấm cá rô ron nguyên con chấm muối sống giã với ớt xanh và trò chuyện với nhau quả thật thú vị không chi bằng. Thịt cá rô ron nướng vừa mềm, vừa dai, lại vừa ngọt bùi, mùi thơm đồng nội cứ phảng phất... Người dân quê tôi thường đãi đằng khách quý món ăn dân dã cá rô ron mỗi khi xuân về tết đến. Và ai đã một lần uống rượu gạo trong veo như mắt mèo với mồi nhậu là cá rô ron cũng đều tấm tắc khen ngon vì "lạ miệng"... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét