Đến xóm hột vịt lộn bên bờ Kinh Tè, quận 8 mới thấy hết vẻ nhộn nhịp của một nơi mà dù cuộc sống người dân có phần tạm bợ nhưng không vì thế mà heo hắt, thiếu sinh khí. Cái xóm lụp xụp ấy có hơn vài chục người thì người nào, nhà nào cũng theo nghề bán hột vịt lộn. Họ không bán “tại gia” mà tỏa ra khắp nơi trên đường phố Sài Gòn, nơi đây chỉ là nơi thu mua hột vịt sống.
Vì bán trên xe lưu động nên món hột vịt lộn của xóm chỉ duy nhất là hột vịt luộc. Hỏi những người bán về món vịt lộn rang me, anh nào cũng bảo biết nhưng muốn ăn thì hãy đến nơi nào có quán xá hẳn hòi. Nơi ấy, người bán có đủ dụng cụ, đồ nghề, niêu chảo mới có thể làm món này cho khách.
Nghe lời anh, tôi dạt sang quận 7, đi dọc theo đường Trần Xuân Soạn để vào một khu bán vịt lộn “định cư”. Gọi là định cư vì người bán ở đây dựng quán xá, nhà cửa đàng hoàng. Quán còn có nhiều món nhậu bình dân khác bên cạnh hột vịt lộn. Tuy nhiên, tấm biển treo ở cửa không quên nhấn mạnh ở chữ “Vịt lộn rang me”. Nên suy ra, đây là món câu khách của quán.
Đặc sản không chỉ của đất Sài GònVề nguồn gốc của món vịt lộn rang me, nếu ai đã từng đến Sóc Trăng, vào khu vực thị xã thì sẽ dễ dàng tìm thấy món này ở dọc hai bên đường Hùng Vương. Người Sóc Trăng vốn đã tự hào và xem đây là món đặc sản của vùng. Chẳng biết đặc sản này du nhập vào đất Sài Gòn từ khi nào nhưng bây giờ gần như nó cũng sắp thành đặc sản riêng của đất Sài Thành.
Nhưng ngẫm lại, cũng chẳng cần phân định chủ quyền sở hữu với một món ngon làm gì vì món ngon nào cốt cũng để thực khách thưởng thức. Món ngon thì cứ lan mãi, truyền mãi, thành ra món của cộng đồng, công chúng.
Thật ra, việc chế biến hột vịt rang me cũng chỉ là cách nâng vịt lộn luộc lên một cấp, kỳ công và nhiều mùi vị hơn, không đơn điệu như kiểu thông thường. Cách chế biến thì cũng quá sức đơn giản. Nhưng có sự khác nhau giữa quán này và quán khác, giữa chủ này và chủ nọ. Cách mà tôi thường thấy nhất là vịt lộn được luộc chín, bóc vỏ, sau đó cho vào chảo dầu nóng, thêm ít nước cốt me nêm nếm vừa ăn và rang đến khi nào hột vịt áo đều nước me sền sệt, sánh kẹo.
Tuy nhiên, một người bán khác cũng đã có thâm niên 4,5 năm ở đây là chị Vừng lại cho tôi thấy một “tuyệt chiêu” khác của chị. Hột vịt sau khi luộc chín, bóc vỏ, chị lăn qua bột chiên giòn, đem chiên cho vàng, vớt ra. Nước cốt me làm sẵn được rưới lên trước khi đem phục vụ khách. Chị nói, làm thế này, hột vịt vừa giòn, vừa thơm.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách làm nước me. Me được nấu nhừ, lấy cốt, sau đó đem nấu kẹo với nước mắm, đường sao cho có vị mặn ngọt vừa phải. Nếu làm khéo, phần nước me này sẽ trữ được rất lâu. Khi ăn, rắc thêm ít hành phi, đậu phộng và vẫn ăn kèm thứ rau răm bất dịch cùng đĩa muối tiêu chanh.
Món này quả thật ngon, cũng là hột vịt lộn đó nhưng hình như nó đã biến thành món ăn khác hẳn. Vị béo của hột vịt được làm dịu bởi vị chua của me, vị mặn của nước mắm, cắn vào một miếng thấy “thẩm thấu” đến tận chân răng. Ăn lúc còn nóng thì dễ chừng miếng hột vịt cứ lăn tăn trong miệng, nghe nóng hôi hổi nhưng vẫn cố nuốt cho trôi. Món này cũng được quý ông mê, nhâm nhi ly kèm ly rượu thì dễ chừng say quên đường về.
Tuy nhiên, có người không mấy ưng món này vì cho rằng, làm thế dễ ngán, ăn kiểu “cổ điển” vẫn thanh cảnh hơn. Cái khó trong ẩm thực là sự phân định ấy. Nhưng không thể phủ nhận một điều, hột vịt rang me đang trở thành “trào lưu” trong việc thưởng thức hột vịt lộn hè phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét