Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

xôi vò sầu riêng - dẻo thơm ngon miệng

Cảm nhận ban đầu khi nhìn món xôi vò sầu riêng là hạt nếp phải rời ra và được áo đều bởi màu vàng của đậu xanh. Khi dùng tay vò thành viên, các hạt nếp phải dính lại với nhau mới đạt yêu cầu...

Sầu riêng là loại trái đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long, được xưng tụng là “Hoàng đế của các loài trái”. Hè đến là mùa trái chín. Trái sầu riêng tương tự như trái mít tố nữ, có nhiều gai cứng nhọn, trọng lượng khoảng 1,5 – 3,5 kg trở lên, bên trong trái có nhiều ngăn múi. Múi có cơm mềm màu vàng nghệ, vị béo, ngọt, mùi thơm nồng đặc trưng. Ai mới ăn lần đầu cảm thấy mùi rất khó chịu, nhưng sau quen dần và “ghiền” luôn lúc nào không biết.

Loading..



Nhắc đến loại quả này là tôi nhớ đến ông nội vào mùa sầu riêng chín. Sáng sớm, khi trời tờ mờ sương là ông ra bờ vườn lượm trái chín rụng trong đêm mang về cho bà chế biến món xôi vò. Cuộc tình của ông bà cũng do “ông tơ, bà nguyệt” xôi vò sầu riêng này xe duyên cho.

Thủa ấy, hàng năm - đình Long Tuyền ( thành phố Cần Thơ) có làm lễ Kỳ yên (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa) và dân trong các xã phải đem những sản vật tốt nhất, ngon nhất ra đình làng dự thi đấu xảo. Năm đó, món xôi vò của bà nội đoạt giải nhất về nữ công gia chánh. Thế là, gia đình ông cố cho người mai mối cưới bà về kể từ ngày đó!... Câu chuyện tình rất thú vị do ông kể đến nay vẫn không xóa nhòa trong ký ức tuổi thơ tôi.

Ông bà nội tôi đã xa khuất. Và, má tôi nay được xem là “truyền nhân”của món xôi vò sầu riêng” truyền thống này.

Má dặn muốn làm món này phải dụng công một chút không dễ dãi được. Phải chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, gồm: nếp (1kg), đậu xanh đãi vỏ (1/2 kg), dừa nạo (300 gram), đường cát trắng nhuyễn (200 gram), sầu riêng (khoảng 2 múi lớn), một ít muối.

Trước hết, dừa nạo vắt lấy nước cốt cho vào nồi ngập xâm xấp với đậu xanh cùng một ít muối cho vừa khẩu vị, nấu mềm. Đem đậu xanh đã nấu chín ra đánh nhừ, vò thành viên cỡ trái cam để sẵn ra tô.

Sầu riêng tách cơm, đánh nhừ trộn thêm ít muối cho hương vị đậm đà để sẵn ra chén. Nếp phải là loại nếp rặt (không lẫn gạo và tạp chất), cũ, hạt dài, trọng lượng nếp nhiều, ít tùy theo người ăn. Nếp mua về vo sạch, ngâm nước độ khoảng 6 - 8 tiếng cho nếp mềm. Vớt nếp ra rổ, để ráo rồi cho nếp vào chõ (xửng) xôi vừa chín tới, đem nếp ra trải đều lên mâm.

Dùng dao cắt từng lát mỏng đậu xanh (đã vò viên) lên trên nếp và trộn cho đậu xanh áo đều lên từng hạt nếp. Tiếp đến, cho nếp vào chõ (lần 2) xôi cho chín hẳn. Cho nếp đã chín ra mâm trộn đều cùng với đường cát trắng nhuyễn và sầu riêng, là xong!

Theo má, về hình thức, cảm nhận ban đầu khi nhìn món xôi vò sầu riêng là hạt nếp phải rời ra và được áo đều bởi màu vàng của đậu xanh. Khi dùng tay vò thành viên, các hạt nếp phải dính lại với nhau mới đạt yêu cầu. Khi cho xôi vào miệng nhai, hạt nếp phải mềm, dẻo, thơm, và “phao” trong miệng mới ngon!...

Thật là hạnh phúc, đầm ấm khi cả nhà sum họp đầy đủ nhân ngày giỗ ông tôi hàng năm. Nhìn các thức ăn dọn ê hề trên bàn thờ, trong đó có món xôi vò sầu riêng, tôi chợt nhớ về ông quay quắt. Và, nhất là “chuyện tình trong mơ” do ông kể lại lúc sinh thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét