Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Hương vị quê nhà: Bánh đúc xứ Nghệ

Xem hình

Ngày nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, với người dân xứ Nghệ, bánh đúc vẫn rất đỗi gần gũi, thân thiết với mỗi người.
- Bánh đúc được làm từ gạo tẻ trắng, phải là những hạt gạo tẻ đều đều, không pha lẫn với những hạt gạo khác. Gạo đem giã thành bột, rây cho nhỏ, rồiủ kỹ để qua đêm cho bột nở đều.
- Thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh đúc là nước vôi. Lấy một hòn vôi bằng quả cà pháo, bỏ vào nước cho tan, đánh đều, để lắng rồi gạn lấy nước trong.
- Bột gạo trộn với nước vôi trong, đổ vào nồi quấy nấu cho chín. Thứ bột khi đã chín thì có thể chế biến thành nhiều dạng, đổ ra lá chuối thành từng tảng, đổ ra đĩa, có thể làm nhiều tầng hình tròn, tầng dưới có đường kính rộng hơn tầng trên, thành hình cái tháp chín lớp. Chợ Giang Đình (huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh - quê hương Nguyễn Du) có bánh đúc chín lớp bày bán quanh năm.
 
- Vào những ngày giỗ, ngày Tết, bánh được làm cầu kỳ hơn là mua thêm thịt lợn nạc, băm nhỏ, rim chín, thái nhỏ hành lá, đổ lẫn vào nồi bánh khi còn ở trên bếp. Bột chín đổ ra thành bánh đúc có nhân thịt, hành, có nơi người ta cho đậu phộng vào nấu cùng để có bánh đúc đậu.
- Người ta khoái ăn bánh đúc chấm với nước mắm cáy, nước mắm cua đồng pha với chanh, ớt hoặc chấm tương. Ăn miếng bánh mềm dẻo trong miệng, người ta thấy hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị đậm gần gũi của thịt, vị mặn, chua, cay của gia vị. Bánh ngon là bánh dẻo, không ướt, không khô, không bị "khê". Làm bánh đúc cũng đòi hỏi nhiều công sức và kinh nghiệm, quan trọng nhất là chọn gạo và ủ bột.
- Ngày nay, nhiều gia đình còn dùng bánh đúc chay thay cơm, không đòi hỏi phải có nhiều thức ăn mà vẫn thấy ngon, no bụng, rẻ tiền. Ở quê nhà, vào ngày giỗ, ngày Tết mỗi nhà đều bỏ ra một ngày, hì hục chọn gạo, xay bột, làm bánh. Một ngày đó, mỗi người trong gia đình, trong thôn xóm thật đầm ấm thân tình bên những câu chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện chăn nuôi, trồng trọt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét