Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Mì Vịt Tiềm ở Sài Gòn


Trước năm 1975 mì vịt tiềm gần như là một món riêng của khu Chợ Lớn và của các đầu bếp người Hoa. Nhưng ngay cả ở đây cũng chỉ có vài ba nơi bán món mì được xem là cao cấp, hiếm người biết cách nấu!

Đến thời mở cửa, kinh tế phát triển món mì vịt tiềm dần dần được hồi phục. Lần phục hồi này lại có cái hay là giúp cho món mì vịt tiềm “bung” ra nhiều khu vực ngoài vùng Chợ Lớn và cho đến hiện nay cửa tiệm nào cũng nhộn nhịp, đông khách. Trong quận 1, trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đến cầu Bông có mấy cửa tiệm. Quận Bình Thạnh thì mì vịt tiềm tập trung liên tiếp nhiều cửa hàng trên đường Nơ Trang Long qua khỏi trung tâm Ung bướu và khu chợ Thị Nghè.

Quận Phú Nhuận thì nổi tiếng có quán mì ở ngã ba Nguyễn Trọng Tuyển – Phan Đình Phùng. Quận 4 thì có một tiệm ở đường Hoàng Diệu. Quận 8 thì mì vịt tiềm có mặt trên đường Tuy Lý Vương. Quận 10 thì có vài xe dọc trên đường Nguyễn Tri Phương. Quận 11 cũng có vài tiệm gần nhau trên đường Bình Thới.

Nhưng thủ phủ của mì vịt tiềm vẫn là quận 5 với nhiều điểm bán tập trung có từ hai đến ba hàng, chẳng hạn trên đoạn đường Nguyễn Trãi từ Trần Phú đến Huỳnh Mẫn Đạt có hai tiệm mì vịt tiềm lúc nào cũng đông khách, khu La Kay – Nguyễn Tri Phương, đoạn Trần Tuấn Khải và những xe mì vịt tiềm rải rác ở các tụ điểm ăn uống về đêm. Điểm đặc biệt của mì vịt tiềm hầu như chỉ được bán vào buổi chiều đến khuya. Giá một tô mì vịt tiềm lúc nào cũng cao hơn các loại mì khác gấp rưỡi cho đến gấp đôi.

Theo bếp trưởng Tăng Quốc Vinh, phụ trách bếp Hoa khách sạn Continental thì mì vịt tiềm có thể được xem là họ hàng với món vịt tiềm nguyên con với đủ thứ rau củ như hạt sen, bạch quả, củ năng, kim châm, nấm đông cô… dồn trong bụng con vịt được dọn kèm với mì. Vịt tiềm nấu theo kiểu này sau khi ướp được chiên giòn bên ngoài rồi hầm cho chín mềm kèm với mì và thường là món chính của một bữa tiệc quan trọng như tiệc cưới, liên hoan. Nước dùng mì vịt tiềm phải nấu kỹ, được pha bằng nước dùng của xương heo để lấy độ ngọt và xương vịt để có mùi thơm. Gia vị gồm tai vị, đinh hương, quế, trần bì… với liều lượng chính xác để có hương thơm đặc trưng nhưng không nặng mùi, khó ăn. Vịt cũng được ướp gia vị nhưng phải có nước tương để lấy màu và mùi rồi chiên giòn lên.

Theo bà Lan, chủ hiệu mì vịt tiềm Thiểm Huy trên đường Nguyễn Trãi thì mì vịt tiềm phải có thêm cải ngọt luộc và đu đủ ngâm chua ăn kèm thì mới đúng gu. Cứ mỗi tô mì là một góc tư con vịt, phải là vịt tơ, da mỏng, ít mỡ do khách bây giờ ngại dầu mỡ. Thịt vịt ăn với mì có hai gu, vịt sau khi ướp chiên giòn rồi cho vào nồi nước dùng nấu liu riu cho mềm hẳn. Cách nấu này tuy thịt vịt hơi bở nhưng người lớn tuổi ưa thích vì thịt mềm, ngọt đậm nhờ có thời gian ngấm gia vị. Còn người trẻ thì thích đùi vịt được chiên giòn, mùi thơm nổi bật và nhất là nhai đã miệng hơn.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét