+Tên khoa học: Lates Calcarifer (Bloch,1790)
+Tên tiếng anh: Barramundi
+Họ:Latidae
+Bộ: Perciformes
+Đặc điểm:
Thân dài, dẹp bên, phần lưng hơi gồ cao, bắp đuôi ngắn. Đầu dài, nửa trước nhọn, từ gáy đến mút mõm cong xuống, chiều dài lớn hơn chiều cao. Chiều dài thân bằng 3,2 lần chiều cao thân và bằng 2,9 lần chiều dài đầu. Mép sau xương nắp mang trước hình răng cưa, góc dưới có một gai cứng dài. Xương nắp mang chính có 1 gai dẹt. Mắt lớn, khoảng cách 2 mắt hẹp. Miệng rộng, chếch, hàm dưới nhô dài hơn hàm trên. Răng nhọn, khỏe. Xương khẩu cái và xương lá mía có nhiều răng, mọc thành đai. Thân phủ vảy lược nhỏ, yếu. Hai vây lưng tách rời nhau. Vây lưng thứ nhất có 7 gai cứng. Vây ngực ngắn, rộng. Vây đuôi tròn, không chia thùy.
+Phân bố:
Cá chẽm là loài phân bố rộng, phân bố khắp vùng biển nhiệt đới, và cận nhiệt đới, từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. ở nước ta, cá phân bố ở phía đông vịnh bắc bộ và vùng biển trung bộ (Khánh Hòa đến Thuận Hải) cá lớn nhanh ở nhiệt độ 28- 30oC.
Cá chẽm rất rộng muối, cá trưởng thành và sống ngoài khơi, ấu trùng sau khi nở sẽ di chuyển vào bờ, và lớn lên ở vùng đầm, cửa sông nước lợ hay có thể vào sâu trong sông hồ nước ngọt. Ấu trùng mới nở phân bố dọc theo các cửa sông nước lợ.
+Tập tính:
Cá háu ăn nhưng không đuổi mồi như cá lóc. Mặc dù cá chẽm trưởng thành được xem là loài cá ăn thịt, trong giai đoạn ấu niên chúng vẫn là loài ăn tạp. Trong tự nhiên chúng cũng ăn phiêu sinh, rong, tảo.
Cá chẽm là loài có kích cỡ trung bình, cỡ khai thác thông thường 2- 3 kg, cỡ tối đa bắt gặp có thể 13 kg, cá có tốc độ lớn khá nhanh, trong điều kiện tự nhiên, 10- 14 ngày sau khi nở cá đạt 2,5- 3 cm, cá có thể đạt 0,3- 0,4 kg sau 4 tháng nuôi.
+Sinh sản:
Tùy từng vùng nuôi với điều kiện tự nhiên khác nhau, tuổi thành thục của cá chẽm cũng khác nhau. Cá cái thông thường thành thục ở 5-6 năm tuổi, cá đực ở 4 năm tuổi. Trong điều kiện thí nghiệm, cá nuôi vỗ trong bè ngoài biển sẽ thành thục sớm hơn cá nuôi trong ao hay bể. Khi còn nhỏ rất khó phân biệt cá đực và cá cái. Khi thành thục có thể phân biệt dựa vào các lỗ niệu sinh dục và hậu môn: cá cái có 3 lỗ, cá đực có 2 lỗ.
Trong giai đoạn đầu (1,5 – 2,5kg) đa số cá chẽm là loài cá đực nhưng khi trọng lượng 4 – 6kg thì hầu hết trở thành cá cái.
Mùa vụ sinh sản của cá bắt đầu từ khoảng tháng 4-5. Mùa vụ sinh sản có thể kéo dài và có thể đẻ nhiều lần trong năm. Đến mùa sinh sản, cá di cư ra vùng biển để bắt cặp và đẻ trứng. Bãi đẻ của cá là những rạng san hô, có độ sâu 20-40m. Bãi đẻ có nhiệt độ và độ mặn ổn định ở 28oC và 34%o. Cá thường di cư sinh sản vào những kỳ trăng non, lúc nước cường. Cá đẻ vào ban đêm.
+Hiện trạng:
Được nuôi ở Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, …
Ở Việt Nam đã sản xuất được giống cá này và được nuôi trong ao đất ở một số địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét