Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Cách làm các loại DƯA MUỐI ăn ngày TẾT

Sự đa dạng, khác biệt về mâm cỗ Tết ba miền còn thể hiện qua món dưa ăn giải ngấy cho bánh chưng, bánh Tét. Trong khi miền Bắc có dưa hành chua thanh nhẹ, thì miền Trung và miền Nam có dưa kiệu, dưa món mặn ngọt. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp cách chế biến của 4 loại dưa góp ngon lành và phổ biến trong ngày Tết Việt Nam.
1. DƯA HÀNH (phổ biến ở miền Bắc)mav090
Nguyên liệu:
– 2 kg hành củ
– nửa chén giấm
– nửa chén đường
– 1/4 chén muối
Thực hiện: 
Cho 1 chén muối vào thau nước, bỏ vào một cục phèn chua, khuấy đều. Cho hành nguyên cả vỏ vào thau, ngâm. Sau một tiếng đồng hồ vớt cục phèn chua ra. Đậy kín thau và ngâm hành trong 2 ngày. Sau hai ngày thì làm sạch hành: gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo nước.
Trong khi đó thì làm nước trộn.
Cho giấm, đường, muối, nước vào một cái nồi (chừng nửa nồi nước). Đặt nó trên bếp lửa và khuấy tan. Chừng nào hỗn hợp sôi thì nhắc xuống, để nguội.
Cho củ hành vào keo. Rồi đổ hỗn hợp (nước đường muối) đó vào ngập củ hành. Lấy miếng ni-lông sạch (hay cái chén nhỏ) ấn trên mặt củ hành cho nó chìm xuống nước. Đậy kín keo hành.
Sau 10 ngày là ăn được.
2. DƯA KIỆU (phổ biến ở miền Trung và miền Nam)
Nguyên liệu:
– 1 kg kiệu Huế làm sạch (có loại làm sẵn bán ở chợ)
– nửa kg đường
– cục phèn chua (bằng 1 lóng tay)
– 1 muỗng cà phê muối
– một củ tỏi lột vỏ
Thực hiện: 
Kiệu rửa sạch rồi ngâm vào nước với cục phèn và 1 bụm tay muối. Chừng một tiếng, vớt cục phèn ra. Đem thau kiệu có nước này phơi nắng 1 ngày.
Sau đó sả sạch, rải kiệu trên mâm và phơi nắng 1 ngày.
Đem kiệu ướp đường và 1 muỗng cà phê muối với tỏi lột.
Ướp 2 tiếng rồi cho vào keo và đổ giấm vào.
Sau 10 ngày ăn được. Có thể ăn dần suốt năm mà không hư.
3. DƯA MÓN (phổ biến ở miền Trung và miền Nam, nhất là miền Trung)
Nguyên liệu: 
– 300g kiệu, 50g ớt hiểm, 2 củ cà rốt, 2 củ cải trắng, 4 trái dưa leo, 2 củ su hào, nửa trái thơm, 2 chén nước mắm, 4 chén đường
Thực hiện: 
– Kiệu cắt bỏ lá, ngâm nước tro để qua đêm, phơi khô cắt rễ, bóc sạch vỏ. Rửa lại bằng nước muối sau đó phơi khô lần nữa.
– Cà rốt, củ cải trắng, su hào gọt sạch vỏ, thơm thái lát mỏng, xóc muối để 30 phút, rửa sạch lại phơi khô.
– Cho đường và nước lạnh vào nước mắm, sao cho ngọt, mặn vừa phải rồi bắc lên bếp để lửa nhỏ, khuấy đều. Khi đường vừa tan nhắc xuống, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp nguội hẳn.
– Xếp kiệu, ớt, cà rốt, củ cải trắng, su hào, dưa leo, thơm vào keo, rót nước mắm đường vào ngập nguyên liệu. Ngâm khoảng một ngày là dùng được. Nếu muốn để lâu thì bỏ trong tủ lạnh ăn dần  Ăn kèm với bánh chưng, bánh tét rất ngon


4. DƯA GIÁ (phổ biến ở miền Nam, thường ăn với thịt kho tàu)
Nguyên liệu:
– 1 kg giá cọng mập ngắn.
– vài cọng hẹ (tuỳ ý) cắt khúc bằng cọng giá
– 1 củ cà rốt, xắt sợi ngắn bằng cọng giá
– chừng một đốt ngón tay củ gừng, xắt sợi (không giã nát vì nó sẽ làm đục nước).
– chút xíu phèn chua (chừng 1 đốt ngón tay út)
– 1 muỗng cà phê muối
– 3 muỗng cà phê đường
– một chén nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ. (Nếu không có thì thay thế bằng nửa chén giấm).
Thực hiện: 
Giá rửa sạch, nhặt bỏ các vỏ đậu xanh còn bám vào giá. Cho cục phèn vào thau nước và khuấy tan, rồi ngâm giá và cà rốt xắt sợi vào. Chừng 15 phút, vớt ra rổ cho ráo nước. Đổ nước sạch (không cần nấu chín) vào trong thau, cho muối vào đường vào, khuấy tan. Rồi cho giá, cà rốt, gừng, hẹ, nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ vào trong thau, sâm sấp mặt nước.
Nếu thiếu nước thì đổ thêm nước sạch vào. Lấy cái dĩa bàn đè trên mặt giá cho nó chìm xuống nước. Đậy kín thau, hôm sau là ăn được.
(Có thể dùng cái keo lớn để chứa, thay vì thau. Nhưng trên mặt giá thì lấy cái dĩa nhỏ hơn miệng keo dằn xuống giá xuống. Cũng có thể lấy miếng nhựa sạch dằn nó xuống.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét