Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Văn hóa Phở
Ít món ăn nào của Việt nam và trên toàn thế giới được thời sự hóa, văn nghệ hóa như “phở”. Ngay lúc ra đời, phở lập tức được Tản Đà (Đánh bạc), rồi Nguyễn Công Hoan (Nhớ và ghi về Hà nội) đưa vào tác phẩm như đã có dịp nhắc ở phần truy căn tên gọi của phở. Hồi thời đầu thế kỷ 20, phở bước vào tiểu thuyết việt  với tác phẩm “Anh hàng phở lấy vợ cô đầu”. Khoảng 30 năm sau, đời sống văn hoá phở được thi vị hóa bằng bài “phú phở” của thi sĩ lừng danh thế kỷ 20 - Tú Mỡ. Chỉ trong 39 câu, Tú Mỡ đã tài tình khắc họa chân dung trung thực cùng toàn bộ tinh hoa về phở để rồi ông đưa ra câu kết luận khiến ai chưa ăn phở bỗng thấy “nhột”lập tức phải cân nhắc kỹ:
 
 …Sống trên đời, phở không ăn cũng dại
 Lúc buông tay, ắt phải cúng kèm
Ai ơi nếm thử kẻo thèm!
Tú Mỡ 1937
 
 
Rồi phở đoàng hoàng bước lên văn đàn việt qua hàng loạt ký  sự, tuỳ bút để đời về phở của hầu hết các cây bút lừng danh thế kỷ 20: “Phở  bò, món quà căn bản”; “Phở Gà” của Vũ Bằng (trước 1939); “Phở” của Nguyễn Tuân (1957) ; “Hàng quà rong; Phụ thêm vào phở” của Thạch Lam; “ Những bước thăng trầm của phở” của Lý Khắc Cung; “ Phở” của Tô Hoài; “Trăm năm chuyện Thăng long Hà nội” của Siêu Hải và vv… phở trở thành một đề tài đầy ma lực, cám dỗ, có sức hút linh diệu như chính hương vị của nó với giới văn nghệ sĩ Việt nam và quốc tế. Ấy cũng là động lực khiến tôi đeo đuổi cả chục năm sưu tầm, lượm lặt, để nay có dịp thăng hoa viết hầu quý vị diện mạo “100 năm phở Việt”. Phở ẩn hiện trong nhiều tác phẩm văn chương trong suốt thế kỷ 20, bởi nó trăn trở cùng dân tộc, mang đậm hồn việt lãng du với thời gian. Hình ảnh các diễn viên gạo cội vào vai giáo sư đại học đi thái bánh phở thuê tăng thu nhập ở thập niên 90 gây nhiều nỗi u hoài về thời bao cấp. Chưa hết, hào quang của phở việt còn thu hút các nhà làm phim Hàn quốc và hãng phim VIFA khai thác dựng bộ phim truyền hình dài tập “Mùi ngò gai”. Xoay quanh phở, biết bao cảnh đời éo le cùng các số phận trớ trêu làm say mê hàng triệu lượt khán giả truyền hình suốt mấy tháng trời.
 
Văn học truyền khẩu còn nhân cách hóa Phở thành cô “bồ nhí nhõng nhẽo” trong mắt nhân gian. Cũng có lẽ bởi phở kề cận với đời sống Việt mọi lúc mọi nơi, chỉ đứng sau cơm theo đúng cả  “nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Chả thế mà bảng hiệu “cơm –phở” nhan nhản khắp đó đây trên mọi nẻo đường. Giới “mày râu” thường hay ví von: cơm như “bà vợ” hiền hậu, trung thành tận tụy còn phở là “cô bồ trẻ” õng ẹo luôn mới lạ và đầy hương vị hấp dẫn điểm xuyết phút thăng hoa của cuộc đời! Chẳng biết câu ngạn ngữ làng phở “Thuỷ chung với cơm, sắt son cùng phở” hay “Sáng chở Cơm đi ăn phở, tối chở Phở đi ăn cơm ! ” thật đời thường đã ra đời tự bao giờ. Lại nữa, một câu đối dân gian truyền khẩu về phở rất rí rỏm kiểu tục tục,thanh thanh:     
 
“Nạc mỡ nữa làm gì! Em nghĩ chín rồi! Đừng nói với em câu tái giá!
Muối tiêu đâu có ngại ! Lão còn gân chán! Thử  vui cùng lão miếng gầu dai!”
 
Một nét văn hóa rất riêng của phở, thật tuyệt !
 
Phở là món ăn duy nhất được nâng tầm triết lý để có “Hội thảo về phở”. Ông Didier Corlou bếp trưởng  khách sạn  Sofitel Metropol Hà nội, một môn đồ của phở và sự hấp dẫn của món ăn lạ lùng này đã thuuết phục được vị đại sứ liên minh châu Âu Frederic Baron tổ chức hẳn một hội thảo tầm quốc tế với chủ đề “Phở: Di sản Việtnam” năm 2006. Các đại biểu tham dự được thưởng thức món phở kinh điển đúng theo phong cách cổ điển đầu thế kỳ 20. Để quảng bá rộng rãi, một cuốn sách về Phở, in song ngữ Việt – Pháp đã được Liên minh Châu Âu ấn hành. Ông F.Baron cho biết “Chúng tôi đã dành hơn một năm chuẩn bị cho sự kiện này”. Một điều kỳ diệu khác được D.Corlou bật mí : “Tôi thường ăn phở tại hiệu phở gần phố Cửa Bắc, đó là nơi tôi đã gặp vợ tôi”, Phở việt thành bà mối, đã xe duyên cho ông! Nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới đã giành cho phở mối quan tâm đặc biệt. Tác giả Alain Guillemin còn viết hẳn một bài báo “Lịch sử phở Việt nam”, một công việc trọng đại chính người việt còn chưa làm được. Tháng 7-2006 cuộc triển lãm 10 ngày về chủ đề “I love phở” thành công rực rỡ chính tại bảo tàng Liverpool nước Úc. Theo một dự án 5 năm của chàng việt kiều trẻ Lê Phú Cường cùng các văn nghệ sĩ Úc một cuốn sách “Tiểu sử phở” và bộ phim tài liệu “Rất gần và rất xa” sẽ ra đời. Nhà đạo diễn Úc gốc Ý Teresa Crea còn dựng vở kịch “Bữa tiệc cho mọi giác quan” thực hiện ý tưởng độc đáo của ông muốn tôn vinh phở như điểm hẹn gặp gỡ của các nền văn hoá! Chúng ta còn có thể hy vọng viếng thăm nhà bảo tàng Phở sẽ ra đời nay mai trong dự án có một không hai này.
 
Ngay từ cuối thập niên 20 thế kỷ trước, phở đã được chọn làm đại diện ẩm thực việt tham dự hội chợ Mac xây tại Pháp, nhằm giới thiệu và vinh danh cho toàn xứ Đông dương. Phở trở thành chủ đề “cuộc thi bàn tay vàng nấu phở” trong dịp lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng long ở Hà Nội.
 
 
Tiến sĩ Nguyễn Nhã tâm huyết với phở qua làn điệu ca trù khoan nhặt, huyền ảo “ Mười thương món phở”. Như những đệ tử sành phở chân truyền, ông chỉ tâm huyết với loại phở truyền thống :
 
“Dĩ nhiên phải phở quốc truyền
Giữ được cốt cách tự nhiên ban đầu”
 
 Phở đi vào họa phẩm của giới nghệ sĩ tạo hình, lay động tâm hồn họ một cách tự nhiên khiến họ cầm bút mà đỉnh cao chính là bức tranh “phở gánh” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cây đại thụ làng mỹ thuật Việt nam cận đại.
 
Để cho đầy đủ các gam mầu về bức “chân dung phở” nhân kỷ niệm sinh nhật 100 năm tuổi, hy vọng rồi đây sẽ có một nhạc sĩ tài hoa cảm nhận và thăng hoa để cho ra đời một ca khúc mượt mà về phở, âu cũng là nét chấm phá cuối cùng hoàn thiện diện mạo văn hóa phở cho đủ cả: Cầm-Kỳ-Thi-Họa,kịch nghệ, phim ảnh ! 
 
T.Q.Dũng 06-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét