Vũ Thế Long
(CLB. Văn hóa ẩm thực VN)
Sau khi lọt lòng mẹ, hầu như ai cũng được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào và tiếng hát ru êm ái của mẹ, của bà, của chị. Trong suốt tuổi ấu thơ, chỉ trừ những người được gửi vào ăn ở trong các trại ký túc hoặc phải chịu những cảnh đời bất hạnh, thông thường mọi trẻ em đều được ăn uống cùng bố mẹ, ông bà và gia đình. Mẹ nấu gì thì con ăn nấy. Thỉnh thoảng, được theo người lớn về quê, lên phố, thăm viếng họ hàng, đi ăn cỗ, ăn tiệm hay dự hội làng, liên hoan, cắm trại ở truờng học thì mới có dịp được thưởng thức các lối ăn, kiểu ăn của thiên hạ. Mỗi bữa ăn, ông bà, cha mẹ lại chỉ bảo cho phải ăn uống thế nào, xử sự ra sao.... Ngày tiếp ngày, năm tiếp năm cho đến khi trưởng thành bước vào đời, tách khỏi gia đình ra ở riêng lập một bếp ăn riêng, một thửa ruộng riêng, một việc làm riêng, mỗi chúng ta đều được thừa hưởng một tập quán , một lề thói ăn uống, một nền giáo dục về ăn uống từ tổ tiên truyền lại thông qua các bữa cơm nhà. Và sau đó, như một quy luật muôn đời, chúng ta lại chỉ dẫn cho con cái và những thế hệ kế tiếp một lối ăn uống, một di sản về văn hóa ăn uống đã tích tụ, thừa hưởng được qua nhiều thế hệ. Có thể coi văn hóa ẩm thực là một bộ "gien" đặc sắc có khả năng lưu truyền nhiều giá trị văn hóa của nhân loại mà gia đình chính là những tế bào lưu giữ và lưu truyền bộ gien ấy từ đời này qua đời khác .
Ăn uống trong gia đình là lối ăn uống phổ biến nhất của toàn nhân loại. O một mức độ nào đó thì lối ăn uống này ở Việt Nam lại phổ biến hơn so với nhiều nước khác vì gia đình Việt Nam phần lớn sống bằng nghề nông và trồng lúa nước nên thời gian tụ họp gia đình ở nhà là chủ yếu trong suốt cả năm. Trong các dân tộc có sống đời sống du mục , nghề đi biển xa hoặc các xã hội công nghiệp hiện đại, thì sinh hoạt ăn uống mang tính gia đình có thể không thường xuyên và không có ý nghĩa quan trọng như trong sinh hoạt ăn uống ở gia đình người Việt Nam. Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề của những năm tháng chiến tranh lâu dài và ác liệt, do quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta nên bữa ăn truyền thống trong mỗi gia đình người Việt đã và đang có nhiều biến đổi rõ rệt.
Tìm hiểu về bữa cơm gia đình của người Việt Nam chúng ta cũng có thể thấy được nhiều điều lý thú, nó phản ánh nhiều mặt về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần trong đó. Có những nhân tố tích cực nhưng cũng không ít các nhân tố tiêu cực cần loại bỏ.
Gia đình cổ truyền của người Việt thường có xu hướng tập trung và nhiều thế hệ. Có những gia đình tồn tại ba thế hệ cùng sống chung ăn chung trong một gia đình (tam đại đồng đường) hoặc bốn thế hệ (tứ đại đồng đường)... Việc sớm tách các gia đình nhỏ ra khỏi các gia đình lớn là một xu hướng phát triển gần đây. Trước kia, bữa cơm của các gia đình Việt thường bao gồm nhiều thế hệ khác nhau cùng ngồi chung một mâm.
Trong bữa cơm gia đình, người Việt thường thể hiện những đạo lý quan trọng thông qua hoạt động ăn uống là tình cảm nồng thắm, thủy chung, giản dị thanh bạch nhưng có tình có nghĩa.
"Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon"
Trong mỗi bữa ăn, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Khi xới bát cơm mời bố mẹ già, người con dâu trong nhà thường chọn phần cơm mềm, dẻo, không bao giờ đơm miếng cháy vào bát các cụ. Thức ăn trong mâm thường có phần riêng dành cho trẻ nhỏ. Người già người cao tuổi luôn được mọi người quan tâm và rước xơi trước...trong bữa ăn gia đình, người Việt rất tôn trọng nhau và thể hiện một không khí hoà đồng. Mọi người ngồi xếp chân bằng tròn cùng quanh chiếc mâm tròn và cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm chấm chung một bát nước chấm. O đây không có sự phân biệt giữa các thành viên trong gia đình, nếu có những ưu tiên, nhường nhịn thì chỉ là những quy ước tự giác không bắt buộc nhưng tuân thủ các quy tắc ấy chính là thể hiện một lối sống có văn hóa.
Theo sự phân công truyền thống thì việc chuẩn bị thức ăn và lo bếp núc trong gia đình thường do người phụ nữ đảm nhiệm. Người phụ nữ giỏi giang là người biết lựa chọn được thức ăn khéo léo, nấu nướng giỏi giang và biết tổ chức bữa ăn vừa tiết kiệm lại chiều được sở thích rất khác nhau của từng thành viên trong gia đình. Ngày nay, không chỉ phụ nữ tham gia vào công việc chăm lo cho các bữa ăn gia đình mà ở nhiều gia đình, nam giới cũng đã tham gia một cách tích cực. Tuy nhiên, chăm lo bữa ăn gia đình là một trongnhững thiên chức của người phụ nữ nhưng cũng đã có những người phụ nữ đã để mất cái thiên chức đáng qúy này bởi qúa dồn tâm cho công việc hoặc vì quá lao vào những vui thú đam mê khác.
Trong bữa cơm gia đình, người ta thân mật trò chuyện. Chuyện nhà chuyện cửa chuyện làng xóm... nhưng tối kỵ nhất là nói những chuyện căng thẳng châm chọc nhau hoặc đang bữa ăn lại bất ngờ giao việc khác cho người đang ăn phải bỏ mâm.
"Trời đánh còn tránh miếng ăn"
Bữa ăn gia đình và đặc biệt là bữa ăn gia đình nhiều thế hệ là một môi trường văn hóa, một không gian văn hóa thể hiện quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa độc đáo của người Việt. O đây, mọi yếu tố văn hóa không chỉ chuyển tải trong chuyện ăn gì mà còn luôn luôn được gìn giữ trong khuôn phép cổ truyền một lối ăn theo trật tự truyền thống.
Tuy nhiên trong một số gia đình mà người ta thường gọi là "gia đình phong kiến" đôi khi vẫn tồn tại dai dẳng một lối ứng xử ăn uống không bình đẳng ,cần loại trừ khỏi lối ăn uống của người Việt chúng ta. Đó là lối sử xử trọng nam khinh nữ, lề thói gia trưởng nặng nề. Trong kiểu "ứng xử phong kiến" và thô bạo này thì phụ nữ và con dâu, con gái trong gia đình bị xem thường. Mọi đặc quyền đặc lợi chỉ giành cho nam giới và cho người đàn ông có vị trí cao nhất trong nhà. Kiểu ẩm thực này đã và vẫn còn tồn tại như những mẫu hình tiêu biểu của lối ẩm thực vô văn hóa trong một số gia đình Việt , cần nhanh chóng và triệt để xóa bỏ .
Những năm gần đây, do có nhiều biến động trong đời sống ở thành thị cũng như nông thôn bởi những thay đổi qúa nhanh về kinh tế và xã hội nên truyền thống bữa ăn gia đình của người Việt đã có nhiều biến đổi. Cán bộ, công nhân làm việc trong các cơ quan nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp tư nhân... do hạn chế về giờ giấc, ca kíp, khoảng cách đi lại từ nhà đến công sở, những giao tiếp bên lề của công sở, giờ học của con cái ở nhà trường hay vườn trẻ và cả sự nhàm chán tẻ nhạt trong các bữa ăn gia đình truyền thống có nhiều thế hệ với nhiều sở thích cá nhân trái nghịch nhau... nên các bữa ăn truyền thống gia đình đã và đang bị phá vỡ từng phần hay phá vỡ toàn bộ. Từ cảnh cán bộ, công nhân sáng sáng đi làm với những chiếc cặp lồng đơn sơ chút cơm gia đình với vài cọng rau dưa, dăm miếng thịt miếng cá kho mặn đến giờ nghỉ trưa mỗi người ngồi một góc hay rủ nhau túm tụm từng nhóm cùng ăn cho vui cho đến những bữa "cơm bụi" ngoài hàng bình dân giản dị nhưng biết chiều khách rồi đến những nhà hàng đặc sản, nhậu nhẹt lu bù tiêu cả bạc triệu đã dần dần thay thế cho những bữa cơm đầm ấm thân mật của mỗi gia đình.
Thay đổi những bữa ăn gia đình truyền thống không chỉ diễn ra ở thành thị mà cả ở nông thôn. Đã có những cán bộ ở nông thôn bị sa đà vào con đường nhậu nhẹt bê tha, nay nhậu nhẹt chỗ này, mai nhậu nhẹt chỗ khác bằng công qũy của nhà nước, tập thể, bằng tiền tham nhũng của công với những dạng "hối lộ ẩm thực và hậu ẩm thực" khó nhận dạng khó đo đếm dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực mọi màu sắc. Nhiều gia đình tan vỡ cũng bắt nguồn từ những biến đổi đột biến hay từ từ mà khởi nguồn là sự tan vỡ trong những bữa ăn gia đình truyền thống. Bữa ăn gia đình truyền thống cần gìn giữ , xóa bỏ, hay cải cách ? Giữ, phục hồi hay bỏ ? Đúng hay sai ? Tốt hay xấu là điều cần phải suy tính nhưng ở đây, chúng ta đều thấy rõ : một khi giá trị truyền thống bị biến đổi dù rằng đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, nó sẽ dẫn đến những biến động làm lung lay nhiều gía trị văn hóa truyền thống khác.
Bữa ăn gia đình Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt Nam đang đứng trước những thử thách của quá trình phát triển và đổi mới mạnh mẽ.
Hạnh phúc của mỗi gia đình là gì ? Một gia đình hạnh phúc chắc chắn không thể thiếu sự hòa hợp trong từng bữa cơm nhà mà tính hòa hợp ấy vốn đã có từ lâu đời trong bữa cơm gia đình của người Việt qua nhiều thế hệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét