Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Hương vị quê nhà: Bún mọc ngày hè
 
Bún mọc là loại bún cổ truyền của làng Mọc, Nhân Chính, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là loại bún rất được người Hà Nội ưa thích, thường được dùng vào bữa sáng. Sở dĩ món bún này được gọi tên như thế là do nguyên liệu để làm nên tô bún được chế biến từ thịt heo đã quết nhuyễn mịn (người ta thường gọi là mọc).
 
 
 
 
Bún mọc là món bún dân dã, bình dị, nhưng để có được tô bún ngon cần phải có sự tỉ mỉ, biết pha trộn gia vị hài hòa. Nguyên liệu chính của bún mọc gồm: sườn non, chả quế thái miếng, giò sống, nấm mèo, bún, rau sống, mắm tôm, hành, ngò, hành phi.
Đầu tiên, hầm xương heo với khoảng 2 lít nước, cho hành tím vào cho thơm, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Có thể cho sườn non vào hầm chung để nước dùng được ngọt. Sau đó, vớt sườn ra để riêng, tiếp tục cho giò sống đã quết nhuyễn với nấm mèo vào. Giò sống chín thì vớt ra. 
 
 
 Cho bún vào tô, bỏ sườn non, giò sống, chả quế lên trên, cho thêm hành ngò, hành phi rồi chan nước dùng. Rắc chút tiêu. Vậy là bạn đã có một tô bún mọc đúng kiểu.
Ăn kèm với bún mọc là rau muống chẻ, rau chuối, các loại rau sống, chút mắm tôm. Các loại nguyên liệu này kết hợp với tô bún mọc, sẽ cho bạn một hương vị đậm đà và khó quên. 
 
 
Bún mọc nay đã trở thành một món ăn quen thuộc không chỉ ở Hà Nội, bạn có thể thưởng thức món ăn này ở các nhà hàng, quán ăn trên cả nước. Nó đã trở thành một nét đặc sắc của nền văn hóa ẩm thực Việt.
 
Theo Phụ nữ TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét