Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Món Tây ăn lối Ta
 
Còn gì tây hơn sốt vang thứ nước sốt thơm mùi rượu nho Pháp. Còn gì ta hơn món phở. Vậy mà đấu bếp Việt biết cách nội ngọai giao duyên làm ra món phở sốt vang nghe, nhìn rất tây, nhưng thưởng ngọan lại không cần cùi dìa cứ thỏng thả… đũa. 
 
 
Món tây gần với người Việt nhất, không gì khác hơn là món bánh tây. Vào google hỏi chữ “ bánh ba tê ” sẽ có câu chuyện rất hay về hương vị ba châu lục - đã Tây còn Mỹ lại thêm “húng lìu” rất Tầu như trên rồi tra tiếp từ điển để biết bánh ấy là bánh mì “Món bánh làm theo cách của nguời châu Âu, mới phổ biến ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, có hình như chiếc thuyền úp sấp, màu vàng sẫm, thơm, giòn, ruột xốp mềm…”. Một món Tây đã hơn trăm tuổi nếu không “nhập gia tùy tục” thì làm sao có thể “phủ sóng” khắp ba miền Bắc Trung Nam, có thể vào tới hang cùng ngõ kiệt, có thể cầm tay trong “những phút xao lòng” bất kể giữa khuya hay đầu ngày, có thể nằm túi cóc ba lô theo chân du khách… Bánh mì – cái anh “thuyền úp sấp” này đã “tùy tục” một cách tích cực để từ bánh mì ba tê xúc xích, còn tây trăm phần chuyển qua bánh mì ba tê chả, đã cải lương phần nào, rồi mới tới được bánh mì bì ngon và Việt tới không cãi được!
 
Cầm cái bánh làm bằng bột mì có kẹp món bì làm nhân sẽ nghe thơm mùi thính gạo, hương đặc trưng của văn minh lúa nước. Đã có thính gạo thì là dân Bắc, ăn bánh mì bì lại tưởng được ăn nem Phùng, vừa nhai vừa hồi cố để dòng tưởng tượng đưa vào dòng dịch vị chất chan chát của lá sung vẫn bọc thứ nem nổi tiếng này; và dân Nam ăn bánh lại ngỡ đang ăn bì cuốn, khẽ nhai để vàng bánh nướng lẫn vào vàng thính rang, và khi ấy, cái bánh hợi bị to như thon gọn lại trong nỗi nhớ món quen, nhớ bánh tráng trắng sữa, và rau xanh ngát các lọai.
 
Nhưng dù là Bắc hay Nam thì bánh mì bì cũng chia đều hương vị Việt cho người ăn, chia đều mùi thơm nước mắm. Bánh mì bì không rắc muối tiêu, không xịt nước tương, bánh mì bì phải chan nước mắm. Dẫn bánh tây tới gặp nước mắm thì đến các bà mối chuyên nghiệp, cũng phải chào thua đầu bếp Việt Nam. Theo nhịp giao lưu văn hóa mà nhai món này, nhai kĩ tới vỡ vị chữ thì vỏ với ruột, tây với ta chẳng đã mì- bì khắng khít bên nhau hệt thơ duyên Xuân Diệu anh với em như một cặp vần…
 
Bánh mì bì dai dai, sần sật không lấn lướt cái béo thịt mỡ, cái ngọt thịt nạc đắt giá nhưng rất cần cho khẩu vị và dinh dưỡng, đã được bột thính nhuyễn, ngụy trang rất khéo? Có khéo thì món tây béo mới thanh ta mảnh mai, thanh cảnh!
 
Người Pháp rất có duyên với phở nước mình, duyên may đến nỗi có học giả đòi ghi công cho dân xứ rượu vang cái công đặt tên cho món phở và lí sự rằng chữ phở có gốc pháp feu là lửa nóng, là bốc nhiệt... Tôi không theo cái lí này nhưng vẫn thích nghĩa Việt của chữ sốt – nóng sốt trong tên gọi phở sốt vang món tây ăn lối ta, món tây gắp”.
 
Lần này với một tô tây gắp - phở sốt vang trên tay, đưa thơm hương rượu qua lửa. Bánh phở nhuộm màu hồng nâu rất gần với màu vang đỏ, trên mặt tô nổi loáng thoáng những sao mỡ vàng do thịt bò hầm nhừ tiết ra. Sao ấy như…như…như sao trên cây thông noel!
 
 
                                                                         Trần Quốc Toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét