Nói tới ẩm thực miền trung, người ta nghĩ ngay tới Huế bởi nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Huế đã trở thành nỗi nhớ sâu lắng, ngọt ngào trong lòng người mỗi khi có dịp dừng chân, thưởng thức các món ăn nơi đây.
Nhiều người đã tự hỏi vì sao ẩm thực Huế lại phong phú đa dạng, nhiều màu sắc tới vậy. Hơn 1.300 món ăn là chừng nấy những cách nấu, chế biến khác nhau. Ẩm thực Huế có nguồn gốc từ thời Chăm, khi những cư dân này tới Huế để khẩn hoang khai phá. Cũng từ đó có sự kết hợp giữa hai nền ẩm thực Chăm – Huế, và sau này là các món ngon từ trong dân gian cho tới cung đình.
Ai cũng biết Huế là nơi đóng đô của phủ chúa Nguyễn va kinh đô Nhà Nguyễn từ bao đời, nơi hội tụ nhưng tinh hoa khắp mọi miền đất nước. Có một sự giao thoa ẩm thực giữa nội cung và dân giã được diễn ra, những món ngon từ các miền quê thì được dâng lên tặng phủ chúa và Nhà vua sau đó, những món ngon nơi cung đình thì được các đầu bếp trong nội cung về nhà nấu cho gia đình thưởng thức. Món yến tiệc cung đình đã vượt Tử cấm thành về các làng quê như thế để rồi thành món chung của mọi người. Theo thời gian các món ăn được lưu truyền, biến tấu, nâng cao thành nét Huế rất riêng không lẫn vào đâu được.
Người Huế rất coi trọng bữa cơm gia đình, bữa cơm luôn đặt tiêu chí hài hòa làm chính. Có nghĩa là cơm ăn không chỉ bằng miệng mà phải ăn bằng ngũ quan, tai phải nghe thấy âm thanh nấu nướng, mắt thấy cách chế biến, mũi phải ngửi thấy mùi thơm… sự hài hòa trong bữa cơm Huế còn phải nói tới màu sắc hương vị; hài hòa về âm, dương, nóng, lạnh; hài hòa trong bố cục chén, đũa, bát, đĩa.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy ít khi nào trong một bữa cơm của người Huế mà thiếu rau xanh, một đĩa rau sống cũng gói gọn trong đó cả một thế giới chan hòa mầu sắc, nào màu xanh của rau cải, màu vàng của khế, màu đỏ của cà chua, màu trắng của giá...
Những ai lần đầu tới Huế đều không khỏi ngạc nhiên về các loại bánh, vì bánh nào cũng nhỏ và mỏng. Thoạt nhìn đã có thể nghĩ chẳng biết ăn bao giờ mới no, ấy thế mà khi thưởng thức mới thấy hết nét tinh túy trong từng món bánh: bánh bột lọc, bánh bèo, bánh cuốn…Mỏng nhỏ là thế nhưng chứa đựng, gói tròn trong đó lại là một nghệ thuật, triết lí hài hòa trong ẩm thực Huế.
Ngay đến việc sử dụng bát đĩa thôi người Huế cũng rất chú trọng tới sự hài hòa, cân đối. Bát, đĩa đựng thức ăn đều từ chối dùng loại quá lớn, chỉ sử dụng cỡ vừa phải để không lấn thức ăn.
Mỗi món ăn của người Huế đều thể hiện một triết lí sống rất ư là dân giã nhưng cũng không kém phần cầu kì, hiểu theo nghĩa nghèo mà sang. Nói cách khác ẩm thực Huế là nét nghệ thuật khó lẫn vào đâu được, đó là sự kết hợp hài hòa từ cách chế biến tới thưởng thức. Có lẽ chẳng nơi nào có được nét văn hóa ẩm thực như ở nơi đây.
Đoàn Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét