Ảnh minh họa
Nghệ Tây (saffron) chất lượng trung bình giá dao động từ 1.000 – 2.000 USD cho 450g, Vani nguyên chất chiết xuất từ hạt vani có giá khoảng 2 - 3 USD cho mỗi 28g... là những gia vị đắt đỏ nhất thế giới.
Với chúng ta, gia vị đôi khi chỉ là những lọ nhỏ để trên kệ của cửa hàng tạp hóa hay gian bếp nhà mình. Ít ai biết được rằng gia vị đã tồn tại trong văn hóa của con người hàng ngàn năm nay. Tùy thuộc vào hương vị, màu sắc và dược tính mà gia vị được xếp loại từ thông thường và rẻ tiền đến quý hiếm và vô cùng đắt đỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng các loại gia vị đắt đỏ nhất thế giới đã tạo cảm hứng cho các doanh nhân, các nhà khám phá và thậm chí là cả chiến tranh.
Dựa vào mức độ quý hiếm và giá bán trên thị trường, có thể kê ra một số gia vị đắt đỏ nhất thế giới như:
Nghệ tây (saffron)
Nghệ tây là gia vị đắt đỏ của thế giới. |
Saffron thực chất là nhụy của hoa nghệ tây. Mỗi cây nghệ tây có khoảng 3 đến 4 hoa, mỗi hoa lại có 3 nhụy phủ phấn hoa nằm giữa bông hoa. Để có được 450g saffron, người ta phải thu hoạch khoảng 75.000 – 250.000 bông hoa nghệ tây. Công đoạn thu hoạch hoa và tách lấy nhụy hoa đều phải được thực hiện bằng tay. Phần nhụy hoa này sẽ được phơi khô theo một mức độ nhất định, thường thì trọng lượng nhụy hoa khô chỉ bằng 1/3 nhụy hoa tươi.
Thời cổ xưa, saffron được người Ai Cập và Rome dùng làm thuốc nhuộm, tạo hương và tạo màu cho thức ăn. Đến thế kỷ thứ 7, saffron có mặt ở Trung Quốc rồi sau đó lan sang các nước Châu Âu giai đoạn Trung Đại. Iran hiện là nước sản xuất nhiều saffron nhất thế giới, tiếp đến là các nước như Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc. Thường xuất hiện trong các món cơm và thịt của người Tây Ban Nha và Châu Á, saffron làm cho món ăn có hương vị rất đặc biệt và màu vàng óng đẹp mắt khi cho một lượng nhỏ vừa đủ. Nếu cho quá nhiều saffron, món ăn sẽ có vị đắng. Saffron chất lượng cao có thể có giá 5.000 USD cho 450g, saffron chất lượng trung bình giá dao động từ 1.000 – 2.000 USD cho 450g.
Vani
Nghe có vẻ phổ biến và dễ mua với giá rẻ, nhưng đấy chỉ là những loại hương vani nhân tạo, còn vani nguyên chất lại được xếp loại là một trong ba gia vị có giá cao nhất thế giới. Vani thực chất là trái hoặc hạt của một loại phong lan cùng tên. Những cây vani được thụ phấn bằng tay và phải đến 9 tháng sau trái vani mới chín. Đấy cũng là lý do vani nguyên chất trở nên quý hiếm và đắt đỏ.
Những cây vani đầu tiên trên thế giới có mặt ở Totonaco Indians thuộc Mexico cách đây hơn 500 năm. Ngày nay, người ta có thể thấy hương vani xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ món kem cho đến nước hoa. Theo từ điển bách khoa toàn thư về gia vị thì Mexico và Madagascar là hai nước sản xuất hạt vani chất lượng tốt nhất, với giá thành dao động từ 50 - 200 USD cho mỗi 450g. Vani nguyên chất chiết xuất từ hạt vani có giá khoảng 2 - 3 USD cho mỗi 28g.
Thảo quả
Thảo quả được làm từ hạt của cây thảo quả, một loại gừng có nguồn gốc từ vùng Tây Nam Ấn Độ, sau đó lan rộng ra Sri Lanka và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Thảo quả đã từng được dùng làm dược liệu và hương liệu ít nhất hai thiên niên kỷ, vì một tài liệu y học của Ấn Độ viết từ trong giai đoạn 200 trước công nguyên đến năm 200 sau công nguyên, đã có đề cập đến loại hạt này.
Cũng giống như nhụy nghệ tây, hạt thảo quả có giá “trên trời” vì quá trình và công đoạn sản xuất rất công phu. Trái thảo quả phải được hái bằng tay trước khi chín muồi để đảm bảo độ tươi ngon của hạt. Mỗi hoa sẽ cho ra một trái, và trong mỗi trái có khoảng 12 hạt nhỏ. Cứ 12 trái như vậy sẽ thu được một muỗng cà phê hạt thảo quả thô. Guatemala và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất thảo quả nhiều nhất thế giới. Đây là thành phần chính trong món cà ri, là phụ gia phổ biến được cho vào cà phê ở các nước Ả Rập và thường xuyên được dùng tạo hương cho món bánh ở Scandinavia. Thảo quả nguyên trái thường được bán với giá khoảng 30 USD cho 450g, trong khi hạt thảo quả thô bán ra với giá 6-10 USD cho mỗi 28g.
Đinh hương
Đinh hương có nguồn gốc từ Indonesia, rồi sau đó có mặt ở nhiều quốc gia như Zanzibar, Ấn Độ, Madagascar, Pakistan và Sri Lanka. Cây đinh hương trưởng thành có thể cao đến 20m, có lá to và nhiều hoa nhỏ màu đỏ mọc thành cụm ở đầu cành. Chồi hoa có hình như một chiếc đinh, khi phơi khô có mùi thơm dễ chịu, và nhiều người cho rằng tên gọi đinh hương xuất phát từ đó.
Có thể dùng đinh hương ở dạng nguyên chồi phơi khô hoặc dạng nghiền thành bột. Ở Indonesia, đinh hương được dùng trong một loại thuốc lá có tên là “kretek”, trong khi ở Nhật Bản và Trung Quốc, đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất các loại hương. Ngoài ra, đinh hương còn được dùng là dược liệu và dược phẩm. Đinh hương giúp làm giảm lượng đường trong máu, các chồi hoa còn có đặc tính chống oxy hóa. Dầu đinh hương còn xuất hiện trong các liệu pháp xoa bóp và điều trị đau rang. 450g đinh hương có giá bán khoảng 7 – 10 USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét