Những ngày Tết đã qua, thịt cá đã ngán, chỉ cần một con lươn rồi hái lục bình nở tím ngát cặp bờ sông là có món canh chua độc đáo, lạ miệng lại ngon.
Người bình dân vùng ĐBSCL thường hay xách chĩa đi đâm lươn vào hừng đông hay lúc xế chiều. Người ta cũng có thể bắt lươn bằng cách thả câu kiều, đặt lọp, đặt trúm, …
Lục bình – loài hoa bông tím nở ngát khắp sông rạnh miền đất này. Chỉ việc dùng tay tét cọng bông lên, rửa sạch, chờ ráo là … xong!
Để tạo vị chua, người dân quê có thể dùng cơm mẻ, me, và thú vị hơn nữa là trứng kiến vàng.
Trong các khu vườn tạp, cây mọc hoang, kiến vàng làm ổ lủng lẳng, cứ thế dùng cây thọt cho trứng rớt vào rổ, trứng kiến ngoài việc dùng làm mồi câu cá rô, còn được dùng để nấu canh chua.
Bắc nồi nước sôi, cho trứng kiến vào rổ, nhúng sâu trong nước. Chất chua đặc trưng được tạo ra. Vớt xác trứng kiến ra, thả lươn đã làm sạch vô, chờ nước sôi lại nêm nếm vừa ăn thì cho tiếp bông lục bình vào, cũng có khi người ta cho thêm vào nồi canh ít cọng bông súng hay vài bông điển điển để màu sắc thêm hấp dẫn đảo đều rồi nhắc xuống.
Rắc thêm ít lát ớt sắt với ngò gai, ngò om để tạo mùi. Tô canh chua nóng bên chén cơm gạo mới thơm lựng, chấm nước muối ớt, bột ngọt nghe đậm đà mùi dân dã hương quê, và như vang vọng mãi trong hồn người xa xứ câu ca dao: “Bắt lươn đem nấu canh chua/ Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét