- Nhiều bà mẹ sợ giá đỗ mua ngoài chợ ngâm hóa chất nên đã tự học cách làm giá đỗ tại nhà. Giá đỗ tự làm không hóa chất, không đẹp mắt nhưng dùng an toàn, bổ dưỡng.
Giá đỗ tự làm không đẹp bằng mua ngoài chợ nhưng an toàn với người dùng. Ảnh minh họa
Giá đỗ hay còn gọi là giá, giá đậu… là hạt đậu nảy mầm, dài từ 3 đến 7cm. Giá đỗ thường được ủ cho nảy mầm từ hạt đậu xanh, cũng có giá đỗ từ đậu tương. Giá đỗ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Giá đỗ giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, protein và chất có nguồn gốc thực vật, những chất cần để mầm cây phát triển, cũng là các chất bổ dưỡng cho con người.
Các loại thuốc ủ giá đỗ vừa được phát hiện tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa qua chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Người làm giá sử dụng các chất này để giá đỗ chóng nảy mầm, thân mập mạp, ít rễ.
Thành viên Mẹ Chích Bông chia sẻ trên trang eva.vn: “Dù đã được trang bị rất nhiều kiến thức, tuy nhiên có lẽ những bậc làm mẹ như chúng ta càng đọc sẽ chỉ càng thêm lo. Mỗi lần ra chợ, cầm mớ rau, thức quả lên tay định mua, em lại cứ mãi chần chừ vì không biết những thực phẩm này liệu có thực sự sạch hay không? Giải pháp tốt nhất em hướng đến bây giờ có lẽ chỉ là cố gắng tự tay làm những loại thực phẩm 'home - made" cho con”.
Thành viên này còn hướng dẫn làm giá đỗ rất đơn giản bằng những chiếc rổ cùng những chiếc khăn cũ mỏng. Đỗ sau khi rửa sạch và ngâm từ 6 – 8 tiếng cho no nước có thể dùng làm giá. Trải một lớp khăn lên rổ, rải đều đỗ trên mặt khăn, không dày quá. Cứ tiếp tục trải một lớp khăn và một lớp đỗ cho đến khi hết đỗ.
Trên cùng, trải một lớp khăn. “Cất vào chỗ thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày, đêm mang rổ đậu ra tưới nước một lần. Sau khi tưới nước vào chậu ngâm giá, mẹ nhớ phải để giá thật ráo nước mới đặt trở lại vào chậu nhé, kẻo giá sẽ bị úng nước và chết” – Mẹ Chích Bông chia sẻ.
Làm giá đỗ ngon bằng ủ lá tre và tưới nước lã. Ảnh minh họa
Chị Bùi Thị Hường, khu chung cư Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm làm giá đỗ bằng chai nhựa được tận dụng: Sau khi ngâm 8 tiếng, đỗ xanh được cho vào chai nhựa. Một chai nước ngọt bỏ đi khoảng 1,5 lít tương ứng với 200 gam đỗ xanh, đục các lỗ nhỏ để chai có khả năng thoát nước. Khoảng 4 tiếng, nhúng chai vào nước, sau đó để ráo. Cứ liên tục trong vòng 2 – 3 ngày là có thể ăn. Khi muốn lấy đỗ ra ngoài, chỉ cần cắt ngang chai nhựa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vỵ, thôn Yên Xuyên, xã Phú Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc có nghề làm giá đỗ truyền thống đã hơn 20 năm. Với cách làm này, chị Vỵ khuyên nên dùng nồi đất là tốt nhất, trường hợp không có nồi đất, có thể dùng chõ đồ xôi bằng nhôm.
Theo chị Vỵ, làm giá bằng phương pháp truyền thống trải qua nhiều công đoạn hơn so với làm giá hiện nay. Tuy nhiên, giá thành phẩm ăn có vị ngọt tự nhiên, mầm giá mập mạp hơn.
Chị Vỵ cũng giải thích nên dùng lá tre trong quá trình làm giá vì đây là loại lá chịu được nước, lại thoát nước dễ dàng. Trường hợp không có lá tre, nên chọn loại lá cũng có khả năng chịu được nước.
Cách làm như sau: Đỗ xanh ngâm từ 6 đến 8 tiếng. Sau đó, vớt đỗ ra và để ráo nước. Trải một lớp lá tre xuống bên dưới nồi đất rồi trải đỗ lên bên trên. Tiếp tục trải một lớp lá tre và một lớp đỗ cho đến khi hết đỗ. Chú ý, lớp lá tre ở bên dưới và trên cùng cần trải dày. Sau khi trải lớp lá tre trên bề mặt nồi đất, lấy những thanh tre gài chặt miệng nồi đất. Cần chú ý, không gài quá chặt, tạo điều kiện cho giá có thể nảy mầm. Cứ 4 tiếng, cho giá “uống nước” một lần trong ngày. Mỗi lần cho giá “uống nước” khoảng 15 phút, sau đó ngiêng chiếc nồi đất cho ráo nước. Chú ý, nên để giá ở nơi tránh ánh sáng để giá có màu trắng và thẳng. Để có được nồi giá thành phẩm vào mùa hè là từ 5 đến 6 ngày, và 7 đến 8 ngày vào mùa đông.
“Rau giá muốn ngon thì phải cẩn thận từ khâu chọn đỗ, đỗ xanh hạt phải đều, không có sâu vì nếu một hạt đỗ hỏng sẽ làm hỏng lây cả nồi giá. Nước để làm giá phải được lọc qua cát để mầm giá được trắng và rễ không bị đen. Về mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp phải thắp đèn và ủ ấm cho giá”. – chị Vỵ chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét