Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

11 loại rau thơm có tác dụng chữa bệnh

 - Tía tô, kinh giới có thể chữa cảm lạnh, húng lủi, húng quế có tác dụng kích thích tiêu hóa, dấp cá hỗ trợ trị ho, long đờm... Mỗi loại rau thơm đều có thể là một vị thuốc hữu ích nếu chúng ta biết cách sử dụng đúng.
Húng quế: Là một loại gia vị quen thuộc trong gia đình, nhưng húng quế đồng thời cũng là loại thảo dược tốt cho gan, ổn định lượng đường trong máu và có tính kháng khuẩn.
Cạnh đó, húng quế còn là loại húng chứa nhiều tinh dầu chứa các vitamin và chất khoáng, nhất là magie rất tốt cho cơ bắp, tim mạch. Tinh dầu này cũng có chất chống oxy hóa mạnh có thể làm chậm quá trình lão hóa, phòng chống ung thư. Tinh dầu chưng cất từ húng quế được nhiều spa sử dụng trong dưỡng da, làm đẹp da, trị mụn trứng cá và bệnh vảy nến.

Húng lủi: Cũng là một loài thuộc họ húng, trong húng lủi có nhiều tinh dầu, đặc biệt là loại tinh dầu có tác dụng kích thích tiêu hóa, thư giãn. Chỉ cần bỏ vài lá húng lủi vào ly nước trà hoặc ly nước nóng, bồn tắm, tinh dầu sẽ làm bạn sảng khoái.
Húng lủi theo nghiên cứu của y học hiện đại cũng có khả năng phòng chống ung thư do trong thành phần có chứa perillyl. Nước ép húng lủi cũng là loại nước làm đẹp da tuyệt hảo.

Thìa là: Rau thìa là và hạt của nó được dùng làm gia vị rất phổ biến. Trong thành phần của chúng có nhiều khoáng chất và vitamin như C, B3, mangan, chất xơ, kali, canxi, magie, sắt và các kích thích tố nhữ như fenchone, caretenoids, flavonoid, anethole và camphene..
Hạt thì là được sử dụng để trị đầy hơi, khó tiêu, tăng huyết áp, tăng sữa cho sản phụ sau sinh, tăng ham muốn tình dục… Một vài cọng rau thìa là gia giảm vào món ăn sẽ giúp bạn ngon miệng, dễ tiêu. Tuy nhiên không nên dùng hạt thìa là với lượng lớn vì nó có thể gây ảo giác, co giật.

Tía tô: Được đánh giá là có hương vị của sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn, tía tô là loại rau thơm được dùng rất rộng rãi. Tía tô có tác dụng giải cảm, hạ sốt, trị mụn. Khi bụng bị đầy hơi, bạn dùng lá tía tô giã nhỏ hòa với nước sạch, uống một lần là khỏi. Trong trường hợp bị nôn mửa, đau bụng do trúng thực, cũng có thể dùng cách này.
Nếu bị cảm lạnh, một tô cháo nóng có lá tía tô xắt nhỏ (thêm hành lá nếu muốn) cũng sẽ giúp bạn toát mồ hôi, sớm khỏi bệnh.

Kinh giới: Theo Đông y, kinh giới có vị cay, tính ấm, tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa cảm gióa, dị ứng, cầm huyết. Nếu bị cảm, bạn có thể dùng cây kinh giới nấu nước xông hoặc uống. Bị mẩn ngứa, mề đay,cũng có thể khắc phục bằng tắm nước lá cây kinh giới nấu kỹ.

Rau mùi (ngò rí): Loại rau này có rất nhiều công dụng, hạt của nó cũng vậy. Bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, bạn sắc 100 gam hạt mùi uống ngày hai lần đến khi khỏi. Để trị tiêu chảy có máu, dùng hạt mùi sao thơm tán nhỏ, pha với nước sôi mỗi lần 7 gam, uống ngày 2 lần sẽ sớm dứt.
Ăn rau mùi, hoặc cầu kỳ hơn là uống nước ép lá mùi sẽ giúp hạ cholesterol trong máu, bổ sung cho cơ thể một lượng lớn vitamin như vitamin A, B1, C, B2, sắt. Rau mùi cũng có tác dụng giúp long đờm, chữa rối loạn tiêu hóa.

Ngò gai (mùi tây): Toàn cây ngò gai đều có tinh dầu, ngò gai có nhiều protid, glucid, cellulose, canxi, photpho, sắt và vitamin C, B1… Ngò gai có tác dụng trị hôi miệng, chữa đầy hơi chướng bụng, cảm cúm, tè dầm ở trẻ nhỏ.
Với bà bầu hoặc phụ nữ trung tuổi, tắm bằng nước nấu từ cây ngò gai tuần 2-3 lần cũng hạn chế được thâm nám da cũng như mụn bọc mà cơ thể lúc nào cũng có mùi thơm mát.
Sả: Là loại gia vị rất thơm, sả có nhiều lợi ích như giảm đau, thư giãn hệ thần kinh, giải độc, giảm huyết áp khá hiệu quả. Trong sả có chứa các chất flavonoid khác nhau hoạt động như những chất oxy hoá giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Theo một nghiên cứu vào tháng 8 năm 2012 của tạp chí khoa học Châu Âu thì chất flavonoid có trong sả được gọi là luteolin có khả năng đẩy lùi sự phát triển của một số tế bào ung thư.
Rau răm: Theo đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, trị co gân (chuột rút), chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng, kém ăn, tiêu chảy. Nhờ có vị cay, tính ấm, tiêu thực, kích thích tiêu hóa nên rau răm thường được dùng ăn cùng trứng vịt lộn, thịt bò, thịt gà, cháo trai, hến để giúp ngon miệng, làm ấm tì vị. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ làm giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục ở cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Dấp cá: Dấp cá vị cay, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt, lợi tiểu, sát trùng. Dấp cá được sử dụng như một loại rau gia vị giúp kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng nhờ tăng thêm mùi vị cho thức ăn.
Dấp cá tính mát, nhờ đó mà nó có tác dụng hạ sốt, chữa táo bón. Tác dụng tiêu viêm của cây dấp cá có thể trị được mụn nhọt, viêm tai giữa, viêm họng, và viêm phế quản.

Húng chanh: Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng chữa viêm họng, giải cảm, cho ra mồ hôi và chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được,… Trong nhân dân thường dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra các cơ sở sản xuất thuốc Nam cũng thường chưng cất tinh dầu húng chanh kết hợp với một số thảo dược khác để sản xuất thuốc trị ho, cảm cúm.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét