Rau sắng chùa Hương, là bài viết về loài rau sắng của Tác giả Phạm Thị Thảo, người sinh ra và lớn lên tại miền đất Phật, Hương Sơn , nơi được biết đến bởi có Chùa Hương, nổi tiếng với loại rau sắng đã từng đi vào ca dao một thời, khiến không ít người mỗi dịp đi trẩy hội chùa Hương phải tìm mua bằng được loại rau này về làm quà. Cùng đọc và cảm nhận hương vị rau sắng bạn đọc nhé!
Không một ai trong làng nhớ rõ cây rau sắng có từ khi nào, chỉ biết rằng rau sắng được phát hiện trên núi đá vôi đã từ lâu lắm rồi và Hương Sơn quê tôi là xã có số lượng cây rau sắng nhiều nhất cả nước. Và phần lớn những cây rau sắng cổ thụ còn lại là từ đời ông, đời cha trồng từ ngày xưa và để lại cho con cháu. Cũng nhờ thiên thời, địa lợi, rau sắng quê tôi có mùi vị thơm ngon hơn hẳn với các loại rau sắng được trồng từ những nơi khác.
Điều lạ là loài cây thân mộc này sinh trưởng được mùa này qua mùa khác nhờ vào những sườn núi đá vôi và lớp lớp mùn cây, lá rừng nhưng lại có thể bị bệnh mà chết nếu bị “ép” bón các loại phân hữu cơ. Vì thế mà rau sắng còn được mệnh danh là “loài rau thanh tịnh”.
Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng một vài ngày là có thể hái được lá, riêng đối với cây rau sắng, từ khi trồng đến khi hái lá lần đầu tiên phải ít nhất từ 3 đến 5 năm, và chỉ sau 10 năm thì mới thu hoạch số lượng lớn được. Bố tôi xưa kia đi bộ đội cũng từng gắn bó với loại rau này. Ông kể rằng mỗi lần ra quân, bà nội tôi lại đưa cho bố những bọc chứa những đọt rau sắng phơi khô, khi nấu ăn cho vào vài cọng, thay cho mì chính.
Người dân quê tôi cứ đến mùa rau sắng không khí lại tấp nập những người đi thu hoạch. Vì là loại rau quý hiếm mà nổi tiếng thơm ngon, lại giàu chất dinh dưỡng, không những bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn có tác dụng chữa bệnh. Khách mua chủ yếu là những người đi trẩy hội chùa Hương, khách tham quan du lịch, đa phần là từ Hà Nội, ngoài những người buôn bán, số người mua về làm quà cho người thân cũng rất nhiều. Người thạo ăn rau sắng thường tìm mua cho được loại sắng “rồng rồng”, tức là những chồi hoa sắng non, lấm tấm như hoa ngâu, để bát canh rau sắng chùa Hương của mình không chỉ có lá mà có cả hoa, không chỉ thơm mát mà còn giòn ngọt và dịu dàng tan trong miệng một cách tiếc nuối…
Rau sắng trông giống như rau ngót cũng được một vài nơi gọi là rau ngót rừng. Rau sắng có hai loại, rau sắng đực và rau sắng cái. Rau sắng đực lại không kết quả mà chỉ ra những chùm hoa, thường được người dân quê tôi gọi bằng cái tên râu rồng. Thứ “ râu rồng” đó thường được mẹ tôi mang về xào với thịt bò. Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có màu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương cũng rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi. Quả thật hiếm có loài cây nào mà có thể tận dụng được rất nhiều các bộ phận như rau sắng.
Theo kinh nghiệm của những người dân trong làng, khi nấu rau sắng thì nên nấu suông, không nên nấu kèm với các loại thực phẩm khác, như thế sẽ làm mất đi chất cũng như hương vị của rau sắng. Mẹ tôi vừa chăm chút nhặt từng cọng rau sắng vừa dặn tôi “Những cuống già đã ngắt lá đừng bỏ đi, mà hãy rửa sạch, giã lấy nước cho vào canh, ngọt lắm. Khi rửa rau nên rửa sơ, không vò như rau ngót vì lá sẽ mất nhiều chất, thế mới là biết ăn rau sắng!”. Rau được chế biến và nấu như rau ngót, nhưng khác với rau ngót bởi cái vị ngọt bùi mà ngầy ngậy của rau sắng. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng mát mát của chất đạm thực vật thật khó tả.
Không chỉ là thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng góp phần làm tăng thêm hương vị của bữa ăn, rau sắng quê tôi còn trở thành vị thuốc, chữa được rất nhiều các loại bệnh. Hồi nhỏ, tôi cũng bị bệnh đường ruột, thế nhưng chẳng phải tìm đâu xa, thứ rau sắng ấy, như một phương thuốc hữu hiệu, đã giúp tôi thoát khỏi căn bệnh này. Cũng bởi vậy, rau sắng cũng là loại rau được các thầy lang khắp nơi tìm kiếm.
Giữa vùng núi đá cheo leo, thiên nhiên dường như đã ưu ái cho miền đất phật một loại đặc sản như thế…Trong lòng những người con xa quê, luôn muốn thứ đặc sản ấy được nhiều người biết tới và trân trọng nó như một loài rau quý của miền đất Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét