Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Ăn rau rừng cho an toàn!


 Rau rừng, vừa tự thân là chỗ dựa về nguồn thực phẩm an toàn vừa hàm chứa một sức sống quật cường.

 Rau rừng mừng cố tri 1
Chua ngọt xuyến xao, canh rau “mắt ngọc” phương Nam

Không phải sao? Qua hai cuộc chiến tàn khốc, nhiều vạt rừng, trảng rẫy Nam bộ bị thiêu rụi. Ngoài kia, rau đã âm thầm tái sinh!
Một đàn anh cực kỳ khó tính ở Q.10 (TP.HCM) dạo này sợ cá, thịt, rau cải ngoài chợ phố. Anh nói "tao nhìn đâu cũng thấy hàn the, thuốc tăng trưởng độc hại". Thế là, mái hiên rộng cỡ 1,5m2 biến thành một vườn rau mầm.
Vẫn chưa an tâm, anh này tiếp tục phản biện: rau vẫn hứng chịu khói bụi, người thì lúc nào cũng căng đầu hứng áp lực. Chẳng sướng ích gì!
“Thôi bỏ phố về rừng Cần Giờ, nhằm ngày cuối tuần, tha hồ đuổi bướm bứt rau”, người viết đề nghị. Anh hưởng ứng nồng nhiệt ngay.
Rau rừng mừng cố tri 2
Rau dại lìm kìm, thường mọc ở những vùng phèn mặn Nam bộ
Niềm hân hoan đầu tiên là, mớ rau rừng thập cẩm do mọi người tự tay hái có vài ba con sâu xanh đang... nhún nhảy. Trong khi, một số chị em sợ điếng hồn thì anh lại khoái chí vô cùng. “Vậy mới đúng điệu rau sạch!”, anh nhảy tưng tưng.
Mở màn có món canh rau lìm kìm nấu với tép bạc sông. Những chiếc lá xanh bóng, cỡ ngón tay, thon thon tựa mắt ngọc chao nghiêng trong làn khói lụa. Vị lá nghe chua chua lẫn ngòn ngọt. Còn thịt tôm ngọt ngất. Chất ngọt lan ra nước, thấm vào lá tạo thế “chị ngã em nâng”,  khiến thực khách lắc lư bao trận ngon.
Chợt vạt rừng đước, mắm rung rinh ngọn. Ngoài sông, gió bắt đầu chơi trò trốn tìm cùng sóng - nước lên. Vài tiếng “hụ... chóc... chóc...” của con vượn mồ côi cất lên, âm vực cao vút, ngân dài.
Lại có người nêu thắc mắc không dễ: ai nuôi rau lìm kìm lớn khôn trong mùa nắng hạn?
- Tất nhiên là đất rừng. Song, nói gọn vậy khác nào che giấu kỳ tích của loại rau không trồng mà mọc này.
 Rau rừng mừng cố tri 3
Rau muôi (buôi), nở hoa đẹp tựa cúc dại, chủ vị hăng đắng nhẹ, rất hợp với các món hải sản
Thử hái lá vào ba thời điểm khác nhau trong ngày: sáng sớm, trưa, chiều tối đều cho mùi vị khác nhau hoàn toàn: chua chua hậu ngọt, chát hăng, chua chát. Cho nên, dân bản địa thường hái lá lúc chưa khô sương mai, để nấu canh hoặc trộn gỏi với tôm cua, cá tép.
Sang mùa nắng, lá rau chợt mặn chát - không ai ăn. Bởi đất rừng vùng này thiếu nước ngọt trầm trọng. Trước khi lụi tàn, dây lìm kìm cho nhiều trái thon dài gần hai lóng tay, tựa con cá lìm kìm con. Trái khô, tự tách đôi, bung ra nhiều hạt bay lơ lửng khắp rừng theo cơn gió chiều.
Ở mỗi đầu hạt có một nhúm nhỏ bông gòn trắng tươi, đóng vai trò chiếc dù lượn, đưa hạt phát tán xa hơn. Mặt khác, rễ chủ dây lìm lìm sẽ phình to thành củ trong lòng đất. Đợi mùa sa mưa, nó sẽ nẩy nhiều chồi non bụ bẫm.
Chưa kể mớ rau đọt: ráng, tra, lức, keo, buôi (muôi)... Mỗi thứ đều chất chứa hương vị riêng, dùng chấm kèm nồi cá (rô phi, ngát...) kho kẹo hoặc nhúng lẩu cá dứa tươi, khiến không ít thực khách si mê.
Nổi hứng, có người vội nhận định: ăn rau dại thường sẽ giúp mình khôn ra. Sự đời, đôi khi đúng hay sai chỉ là tương đối!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét