Ngoài rau dớn rừng, rau lủi cũng là loại rau đặc trưng chỉ có nơi miền sơn cước. Đối với đồng bào dân tộc miền núi, rau lủi là món ăn xuất hiện hằng ngày trong mâm cơm.
Theo đông y, rau lủi có vị cay, ngọt, thơm, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Rau lủi còn có tên khác là kim thất, thuộc loại bò trườn, thân nhẵn với nhiều cành, lá mọc so le, cuống ngắn, đầu nhọn, mọng nước có vị thơm của thuốc bắc. Đối với người đồng bằng, rau lủi hiếm khi tìm thấy ở chợ, có chăng là do những người thân có dịp lên núi hái về làm quà để thay đổi khẩu vị.
Rau lủi chuẩn bị nấu canh tôm - Ảnh: Hòa Nhơn |
Ban đầu, rau lủi chỉ là món rau rừng bình thường, chủ yếu đem luộc chấm mắm cái. Sau một thời gian, nhiều người khéo léo chế biến rau lủi theo nhiều cách như xào tỏi, nấu canh tôm tươi. Và canh tôm rau lủi từ đó trở thành món có thể dùng đãi khách. Rau lủi trước khi đem nấu, rửa sạch để ráo, cắt nhỏ. Phi hành thật thơm, trút tôm (băm nhuyễn) đã ướp qua mắm, muối, bột ngọt, tiêu... vào xào sơ, sau đó cho nước vào đun to lửa, để nước sôi một lúc thì trút rau lủi vào. Khi canh sôi trở lại, nếm vừa ăn rồi tắt bếp. Cũng có thể dùng tôm khô để nấu món này, nhưng phải ngâm tôm vào nước ấm cho mềm trước khi đem giã nhuyễn để vị ngọt của tôm hòa quyện vào nước canh.
Canh rau lủi vừa chín tới, có màu xanh tự nhiên, hơi nhơn nhớt nhưng giòn sừn sựt thoảng mùi hương thuốc bắc. Món canh này dùng vào những ngày nắng thì rất ngon lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét