Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

MÓN CÀ RI



Sau đây là một trong nhiều cách nấu món cà ri quen thuộc theo bếp Ấn, Mã Lai, Thái... mà các bạn có thể dùng các loại thịt dê, bò, cừu, nai, mễn... để nấu và tùy chọn các phần thịt như thịt nạc đùi hay nạc mông, thịt bắp có gân hoặc thịt nạm. Mỗi loại thịt sẽ có độ chín mềm khi nấu lâu mau khác nhau. Lưu ý vấn đề này để canh chừng độ chín vừa phải của thịt. Nếu bạn muốn dùng thịt gà thì giảm luợng cà ri trong phần hướng dẫn này xuống còn phân nửa, lý do là thịt gà nhẹ "mùi" và thớ thịt mềm dễ thấm hơn thịt dê cừu.

VẬT LIỆU

1. 1kg thịt cắt miếng vuông chừng 2cm. Trộn đều thịt với 2 muỗng cà phê múôi + 30gr bột cà ri khô, để qua 30 phút.

2. 50cc cà ri bột loại có dầu bán sẵn hoặc làm nóng 3 muỗng súp dầu rồi cho vào 20gr bột cà ri là tắt lửa ngay, không để cà ri cháy. Phần cà ri này sẽ cho vào khi thịt đã chín.

3. 100gr hành tây ( hoặc tùy thích cho hành tím củ nhỏ cho nồng hơn ) lột vỏ băm nhỏ.

4. ½ muỗng súp tỏi băm nhỏ.

5. 1 muỗng súp gừng băm nhỏ.

6. ½ muỗng cà phê bột bạch đậu khấu.

7. ½ muỗng cà phê nụ đinh hương tán mịn.

8. 1 miếng quế vỏ chừng 15gr hoặc một muỗng cà phê bột quế.

9. ½ muỗng súp ớt tươi trái xanh hoặc đỏ băm nhỏ.

10. 100cc yaourt (sữa chua).

11. 50gr bơ hoặc 3 muỗng súp dầu ăn (nếu dùng bơ món ăn sẽ béo hơn).

THỰC HÀNH

1. Dùng một cái nồi vừa đủ, cho bơ hoặc dầu ăn vào làm nóng rồi cho hành, tỏi, gừng băm vào xào cho dậy mùi thơm rồi trút thịt và yaourt vào, nhỏ lửa, đảo đều trong khoảng 1 - 2 phút cho thịt săn lại rồi mới cho tiếp bạch đậu khấu, quế, đinh hương vào đảo tiếp trong 1 - 2 phút nữa nghe thơm mùi quế mới châm nước sôi vào cao hơn mặt thịt chừng 2cm. Đậy nắp nồi lại, nấu với lửa nhỏ riu riu cho đến khi thịt chín mềm, lưu ý không nấu với lửa lớn, nếu không thịt dù có mềm cũng sẽ không thấm gia vị, trong khi nấu, thăm chừng nếu nước cạn thì cho thêm nước sôi vào cho đến khi thịt mềm mực nước bằng mặt thịt là được.

2. Khi thịt đã mềm mới nêm ớt băm vào từ từ, vừa cho ớt vừa nếm để thăm chừng độ cay chấp nhận được hoặc không nêm thẳng ớt vào nồi thịt mà để riêng để tùy ý mỗi người sử dụng khi ăn. Có người dùng ớt Đà Lạt (còn gọi là ớt chuông) băm nhỏ để cho thẳng vào nồi thịt để tạo mùi ớt chứ không có vị cay. Sau cùng mới châm phần cà ri dầu vào từ từ, vừa châm vừa khuấy đều tay và nếm lại thử xem nồng độ cà ri mà khẩu vị riêng của mình có thể chấp nhận được. Tùy chất lượng loại bột cà ri mà bạn đang có để gia giảm chứ phân lượng đã cho không phải nhất thiết dùng hết. Sau khi cho cà ri dầu vào để nước thịt sôi lại là tắt bếp.

3. Với cách nấu không dùng dùng sữa tươi, nước dừa và các loại rau củ như thế này thì để món cà ri thật ngon người ta không ăn liền sau khi nấu xong mà để nồi thịt qua khoảng 6 tiếng đồng hồ, thậm chí qua nửa ngày trong điều kiện nhiệt độ không cao quá 30 độ C. Nhưng cứ cho vào tủ lạnh là chắc ăn nhất cho nên với cách nấu này người ta thường chuẩn bị trước một ngày. Trước khi ăn nấu nhỏ lửa lại cho nước hầm cạn bớt đi còn bằng phân nửa thịt, món cà ri sẽ rất đậm đà. tùy thích nêm lại với chút muối một lần nữa hoặc nêm riêng khi ăn.

Giò heo hầm ngũ vị



Nguyên liệu : Thịt Heo
Cách nấu : Hầm
Kiểu món : Phổ thông
Giò heo hầm ngũ vị
Nguyên liệu :
. Rút xương chân giò: Một chân giò khoảng 1,7kg – 2kg. Hơ lửa móng, đập bể lột bỏ móng, rửa sạch, để ráo. Để nguyên chân giò, dùng dao hay kéo mũi ngắn bấm cắt vào phần thịt bám quanh ống xương, làm đến đâu kéo tuột phần thịt vừa cắt rời xuống, khúc xương ống sẽ lộ dần ra, đến phần khớp thì cắt gân sụn cho đứt lìa rồi làm tiếp khúc xương thứ hai, để đoạn xương móng chót cùng lại.

2. Ướp trong ngoài cứ mỗi ký thịt với: một muỗng cà phê vun muối + 1/3 muỗng cà phê tiêu + một muỗng xúp vun hành tím băm + hai muỗng xúp xì dầu ngon. Dùng chỉ may ràng cột chân giò lại cho gọn chắc. Để qua 1 giờ cho thật thấm gia vị, chiên vàng đều với chảo nhiều dầu. Để ráo dầu, nguội hẳn.

3. Phụ gia tính trung bình cho mỗi chân giò:

- Khoai tây, cà rốt mỗi loại 300g gọt vỏ, cắt miếng lớn.

- 30g nấm đông cô, ngâm nước cho nở mềm, cắt bỏ gốc rễ.

- 100g đậu trắng tươi, loại đậu Đà Lạt không cần đãi vỏ.

- 70g xốt cà chua lon hoặc 400g cà chua tươi, chín, bỏ hột, băm nhuyễn.

- Nước dừa tươi ngọt (tùy ý). Gia vị, ngò cọng để trang trí.

Cách làm :
Thực hành: Nấu chân giò, xốt cà chua với khoảng 1,5 lít nước sôi (hoặc nước dừa tươi nếu thích vị ngọt) cùng lúc, nấu nhỏ lửa, thăm chừng thịt vừa mềm thả đậu, cà rốt, nấm vào, nấu tiếp cho cà rốt vừa chín giòn là thả khoai vào, nấu cho khoai mềm, nước còn sấp mặt thịt là vừa. Tùy ý nêm lại hoặc nêm riêng khi ăn. 5. Lấy chân giò ra tháo chỉ, cắt khoanh. Ăn kèm bánh mì.

Bò nấu tiêu

 

Ảnh: Nhật Vân
Nguyên liệu:
- 1 kg bắp bò
- 100g tiêu xanh tươi
- 0,5 kg khoai tây bi
- 2 củ cà rốt, 2 trái cà chua,
1 củ hành tây
- 1 trái dừa tươi
- Gừng tươi, hành tím, chanh, tỏi, tiêu xay, đường, muối, bột nêm.
Cách thực hiện:
Bắc nồi nước sôi, đập vài lát gừng cho bắp bò vào trụng sơ. Sau đó vớt bắp bò ra để ráo, cắt khúc vuông.
Cho thịt bò vào tô to ướp với 1 muỗng canh bột nêm, 2 muỗng cà phê đường, lượng tiêu xay vừa phải cùng với hành tím và tỏi xắt nhuyễn, sau đó để trong 1 giờ cho thấm gia vị.
Cà chua rửa sạch, cho vào 300 ml nước rồi dùng máy xay nhuyễn.
Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa; khoai tây bi gọt vỏ rồi đem chiên vàng.
Cho hỗn hợp thịt bò đã ướp vào nồi xào cho thịt săn lại. Sau đó cho thêm nước dừa tươi và hỗn hợp cà chua đã xay nhuyễn vào xâm xấp phần thịt. Để lửa riu riu nấu cho thịt bò mềm.
Đợi khi thịt mềm, cho thêm cà rốt và khoai tây đã chiên vàng vào nồi nấu chín. Có thể gia giảm lượng nước dùng sao cho vừa đủ độ sệt cần thiết.
Khi hỗn hợp chín, cho thêm tiêu xanh tươi và hành tây đã cắt miếng vào nồi.
Múc hỗn hợp ra tô, dùng nóng với bánh mì kèm thêm muối tiêu chanh.

Giò heo tiềm thuốc bắc


Ảnh: Đông Xuân
Giò heo tiềm thuốc bắc là món ăn có lợi cho sức khỏe, tốt cho những người bị đau dạ dày...
Nguyên liệu:
- 1/2 chiếc chân giò heo.
- 1 gói thuốc bắc: táo tàu, hoài sơn, cao kỷ, hạt sen, thục địa, kim châm, nhãn nhục.
- Gừng, đường, muối, hành lá, tiêu, dầu ăn.
Cách thực hiện:
Giò heo cạo sạch lông hoặc thui, chặt miếng vừa ăn, cho ít muối vào rửa sạch, hoặc trần sơ qua nước sôi để loại bỏ mùi hôi.
Phi hành, cho thịt vào xào săn lại rồi để 3 tô nước vào nồi nấu. Rửa sạch thảo mộc (thuốc bắc) và gừng thái sợi cho vào nồi thịt. Để lửa vừa, hầm đến khi giò heo mềm vừa ăn. Nêm gia vị cho vừa miệng, múc ra to, thêm hành lá, tiêu, dùng lúc nóng rất ngon.

Hến xào lá hẹ


Hến là món ăn rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam nói chung và người miền Trung nói riêng.

Ngoài món cơm hến đậm đà của xứ Huế, bánh đa ăn với hến xào của xứ Quảng, các bạn có thể sẽ thưởng thức thêm hương vị cay nồng từ hến xào lá hẹ.
Nguyên liệu:
- 300g hến tươi.
- 100g hẹ lá.
- Bánh phồng tôm, số lượng tùy thích.
- Dầu ăn, ớt, chanh, đường, hạt nêm, củ hành tím, nước mắm.
Cách làm:
- Hến rửa sạch cát và vỏ. Chọn con hến thịt màu trắng, tươi, tránh chọn hến có thịt màu xanh vì là hến đã để lâu ngày.
- Hẹ cắt khúc vừa ăn (khoảng 3 cm). Chọn lá hẹ xanh, cọng no tròn.
- Đặt chảo lên bếp cho hến vào, xào khoảng 3 phút cho hến ra nước, lấy hến ra để ráo nước.
- Cho 1 ít dầu ăn và củ hành tím băm nhuyễn, phi vàng vừa phải, cho hến vào, để lửa lớn xào khoảng 3 phút cho hến chuyển sang màu vàng và săn thịt lại. Cho hẹ, hạt nêm vào xào nhanh 2 phút.
- Bánh phồng tôm chiên giòn.
- Nước mắm chua ngọt gồm nước mắm, chanh, đường, tỏi ớt.
Hến xào lá hẹ phải ăn lúc nóng, có thể ăn cùng với bánh phồng tôm hoặc cơm trắng nóng. Bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt từ thịt hến, vị cay nồng từ lá hẹ, làm ấm lòng trong những ngày cuối tuần hay bữa cơm gia đình.
Thịt hến trắng, tránh loại hến có thịt màu xanh là loại đã để lâu ngày.
Thịt hến trắng, tránh loại hến có thịt màu xanh là loại đã để lâu ngày.
Nước chấm chua ngọt.
Nước chấm chua ngọt.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Cơm ngon với cá nục kho dứa



Món này mình học được từ bà ngoại mình, mỗi lần bà kho nguyên nồi cá to, thịt cá cứng, nước cá ngọt, thoang thoảng mùi gừng vô cùng ấm áp dễ chịu.
Nguyên liệu:
1 con cá nục
1 nhánh gừng nhỏ
¼ củ hành tây nhỏ
2 đến 3 quả cà chua
1 lát dứa nhỏ
Nước mắm, đường, ớt nếu bạn ăn cay
2 thìa cà phê dầu ăn, muối tiêu.

Bước 1:

Cá làm sạch, để ráo rồi cắt làm 3 hay 4 miếng, ướp với muối, tiêu.

Làm nóng nồi với chút dầu ăn, chiên cá cho vàng đều hai mặt rồi vớt ra rổ để ráo dầu.

Bước 2:

Cà chua, gừng gọt vỏ; hành tây, dứa, rửa sạch, để ráo nước.

Thái hành tây, dứa, cà chua, thành từng lát vừa ăn. Gừng thái sợi nhỏ.

Bước 3:

Xếp cá vào nồi.

Bên trên đổ cà chua, hành tây, gừng, dứa, lên trên bề mặt và thêm 2 thìa cà phê dầu ăn và ớt bột nếu bạn thích ăn cay.

Bước 4:

Đổ từ từ nước sôi vào nồi cho đổ ngập mặt cá, nêm với chút muối, đường, nước mắm và đun sôi lại; ở đây mình nấu nồi cá thật sôi sau đó cho vào nồi ủ, đậy nắp lại khoảng 2 giờ đồng hồ là cá mềm.

Sau 2 giờ đồng hồ mình lấy ra, đổ nồi cá vào lại nồi nấu ăn bình thường, đun lại tầm 15 phút và nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Nếu bạn dùng nồi áp suất thì đun tầm 15 phút, sau đó đợi nguội mở nắp cho xì hết hơi, thịt cá sẽ rục, ăn được cả xương mà thịt cá vẫn không bị nát.

Cá mềm, nước cá đỏ từ cà chua, hành tây kho cá rất ngọt mà bạn không cần phải nêm nhiều gia vị khác. Món này mình học được từ bà ngoại mình, mỗi lần bà kho nguyên nồi cá to, thịt cá cứng, nước cá ngọt, thoang thoảng mùi gừng vô cùng ấm áp dễ chịu.

Sau này có điều kiện hơn thì bà mình kho bằng nồi áp suất, vừa nhanh lại tiện. Xương cá rục, thịt cá cứng. Nhiều lúc mình bận việc không tiện canh nồi cá thì mình hầm cá bằng nồi ủ, tầm 2 giờ đồng hồ lấy ra là đã có nồi cá thơm ngon dành cho bữa cơm tối rồi!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé!

Sườn xào chua ngọt



Sườn xào chua ngọt là món ngon được nhiều người yêu thích, hầu như mỗi người nội trợ đều có phiên bản cho món sườn xào chua ngọt của riêng mình; và hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn món sườn xào chua ngọt theo cách của mình, hi vọng các bạn cũng thích nó!
Nguyên liệu:

400g sườn non
1 trái ớt chuông xanh
1 củ hành tây
Cần tây
1 trái dưa leo
1 trái cà chua
Chanh, hành tỏi băm
Tương ớt, tương cà
Gia vị, hạt nêm.

Bước 1:


Sườn non rửa sạch, chặt miếng vừa ăn.

Trụng sơ sườn qua nước sôi rồi rửa lại với nước sạch, để ráo.

Bước 2:

Ướp sườn với 2 muỗng café tỏi băm, 1 muỗng café đường, 1 muỗng café tiêu, ½ muỗng café bột ngọt và 2 muỗng canh nước mắm 15 phút.

Bước 3:


Làm nóng dầu ăn, chiên sườn chín vàng.

Vớt sườn đã chiên ra đĩa, để riêng.

Bước 4:

Ớt chuông bỏ hạt, cắt miếng vuông; hành tây và cà chua thái múi cau; dưa leo cắt miếng xéo.

Rau cần tây cắt khúc dài 3-4cm.

Bước 5:

Làm nóng dầu ăn, phi thơm hành tím băm, cho ớt chuông, dưa leo, cà chua, hành tây vào xào.

Nêm 2 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh tương cà, 1 muỗng canh nước chanh và 1 muỗng café hạt nêm, đảo nhanh tay.

Cho sườn đã chiên vào đảo đều.

Cuối cùng thêm cần tây, đảo đều, nêm nếm lại lần cuối rồi tắt bếp.

Cho sườn ra dĩa, ăn nóng với cơm trắng.

Những ngày lạnh mà ăn sườn xào chua ngọt thì thật là tuyệt, vị chua ngọt dịu, vị thơm của rau cần tây, vị hơi hăng của ớt chuông, vị cay của tương ớt sẽ làm bạn thấy ngon miệng hơn. Sườn xào chua ngọt là món ngon được nhiều người yêu thích, hầu như mỗi người nội trợ đều có phiên bản và bí quyết làm sườn xào chua ngọt của riêng mình; và hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn món sườn xào chua ngọt theo cách mà mình và gia đình mình rất yêu thích, hi vọng các bạn cũng thích cách làm này!

Chúc các bạn thành công và có một bữa tối ngon miệng bên gia đình nhé!

Súp tôm cua hấp dẫn



Với thành phần nguyên liệu nhiều sắc màu, món súp luôn hấp dẫn cả về hình thức lẫn chất lượng.
Nguyên liệu

- 1,7 lít nước dùng từ xương lợn hoặc gà, muối, hạt nêm
- 1 bát tôm bóc nõn cắt nhỏ, 1 bát thịt cua, 1 bát thịt giả cua xé nhỏ, 1 bát ngô hạt, 1 bát hạt đậu hà lan
- 2 quả trứng đánh tan, 6 thìa canh bột đao (bột năng) hòa tan với 6 thìa canh nước
- Hạt tiêu, rau mùi thái nhỏ.

Cách làm

- Bắc nồi nước dùng lên bếp đun sôi với lửa vừa, sau đó cho lần lượt tôm, cua, thịt giả cua, ngô hạt, đậu hà lan vào nấu chín, nêm muối và hạt nêm cho vừa ăn.

- Khi các nguyên liệu đã chín thì cho bột đao hòa với nước vào hòa đều tạo độ sánh, đun sôi vài phút cho bột chín kỹ.

- Hạ lửa nhỏ rồi rót từ từ trứng đánh tan vào nồi súp, vừa rót vừa dùng đũa khuấy đều để tạo các vân trứng. Khi rót hết trứng thì đun sôi nhẹ thêm vài phút cho súp chín hẳn rồi tắt bếp.

Múc súp ra bát, trên rắc hạt tiêu và ít rau mùi thái nhỏ, dùng nóng.

Mực chiên giòn



Món mực này làm khá đơn giản mà lại rất thơm, ngon, dễ ăn.
Nguyên liệu:

Mực ống: 200g, bột mì + bột năng + bột chiên giòn, trứng gà, dầu chiên, bột lion, xà lách, cà chua, tương ớt, củ cải trắng.

Cách làm:

- Lấy tô cho một chén bột chiên giòn + nửa chén bột năng + nửa chén bột mì + 2 quả trứng gà + nửa muỗng cà phê đường + 1 muỗng canh bột lion + 1,5 muỗng canh bột nêm + 1 muỗng cà phê bột ngọt + 3 muỗng canh dầu ăn trộn đều lên với nước quấy tan cho sệt lại.

- Mực mua về rửa sạch, xắt miếng (khoảng 1cm) cho gừng đập dập + rượu rửa sạch.

- Sau khi rửa sạch, cho ít bột ngọt, tí tiêu, ít hạt nêm và bột năng vào trộn đều lên, cho vào chậu bột đã pha sẵn, đảo đều lên rồi cho vào chiên lần một.

- Khi gần ăn ta đem mực chiên lại lần 2.

Món này ăn kèm với tương ớt rất ngon

Mẹo làm nước lẩu thật ngon



Mùa đông, lẩu là món rất được ưa chuộng; tuy nhiên để chuẩn bị cho gia đình mình một nồi nước dùng vừa ngon, ngọt lại không bị ngán, bạn cũng cần phải có những bí quyết riêng.
1. Lựa chọn nguyên liệu, gia vị và chuẩn bị nồi nước dùng

Điều kiện đầu tiên để có nồi nước dùng thật trong, ngọt là bạn phải chọn nguyên liệu thật tươi, ngon rồi sau đó dùng kỹ thuật chế biến phù hợp. Chẳng hạn, với nước dùng gà và lợn không nên sử dụng xương đầu nấu vì hôi. Xương hom và xương đuôi sẽ thích hợp hơn vì vừa ngọt vừa thơm.

Lẩu gà phải làm nguyên chất bằng xương lợn và xương gà, không cho thêm vị chua ngọt vì khi nhúng ngải cứu sẽ không ngon.

Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng, do đó tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị phù hợp kèm theo.

Lẩu các loại gia súc cần có gừng, hành tím nướng, riềng, sả. Nước dùng bò không thể thiếu quế chi, thảo quả, hoa hồi, gừng, hành khô. Hành và gừng nướng cho chín nhưng không cháy vỏ (lớp vỏ đỏ của hành khô có tác dụng làm nước dùng trong, màu đẹp), hoa hồi bẻ từng cánh, quế bẻ nhỏ, thảo quả lấy hạt vàng khô thơm, dùng khăn chà xát cho sạch, giã nhỏ rồi gói bằng vải sạch, cho vào nồi nước dùng. Trên nồi nước dùng bò thường có lớp mỡ để giữ nhiệt và giữ được mùi các tinh dầu thơm.

Đối với lẩu gà bạn nướng hành khô và gừng rồi đập dập bỏ vào, nêm nếm gia vị, hạt nêm cho vừa miệng, thêm 1 - 2 cây sả, dứa, cà chua. Khi chế vào nồi lẩu thì bỏ thêm gói thuốc bắc và nấm hương ngâm nở, sa tế, ăn kèm rau ngải cứu, rau muống, cải thảo.

Lẩu thập cẩm thì không phải cho thuốc bắc, ăn kèm rau muống, các loại rau cải. Cả hai loại lẩu này đều có thể ăn kèm thêm nấm tươi.

Hải sản cần có dứa, gừng, sả, cần tây, sa tế... vị ăn tuỳ theo khẩu vị của từng gia đình. Lẩu hải sản thường hơi cay, chua và ngọt. Với lẩu cá, ngoài xương heo ra bạn bỏ luôn xương cá đã lọc thịt vào.

Với nước lẩu này không cho sả và gừng nướng, tuy nhiên tăng vị chua so với những loại khác. Cá sau khi lọc, thái lát, nên ướp với gia vị, hạt nêm, gừng, sả đã băm nhỏ. Khi chế vào nồi lẩu bỏ thêm rau thì là, ăn kèm rau cần, cải cúc, dọc mùng, …

2. Thời gian đun

Cho xương đã chần vào nước lạnh, đun lửa to cho sôi lại nhanh, sau đó hạ nhỏ lửa cho sôi lăn tăn vài phút để các bọt cứng lại rồi hớt sạch. Cả quá trình còn lại đun sôi liu riu.

Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. Chẳng hạn, nước dùng gà và lợn thường nấu 4-6 giờ (vì trước chủ yếu là chăn thả tự nhiên, thịt chắc, vị ngọt, thành phần dinh dưỡng bền vững), nay thời gian đun ít hơn.

Riêng nước dùng bò thì ninh lâu hơn, từ 8 - 10 giờ. Nước dùng thủy hải sản không nên đun quá 45 phút, nếu không sẽ đục và chua.

Với xương bò, nhất là xương ống, trước khi ninh cần nướng với nhiệt độ cao thì nước dùng thơm, trong và ngon hơn.

3. Cách khắc phục nước dùng đục

Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng và vớt ra.

Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.

Nếu nấu nước gà bị đục, cho tiếp xương gà vào đun cũng làm nước trong và ngon hơn.

6 món từ chân gà, bổ cho quý ông



Kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền đều cho rằng, ngoài các bộ phận khác của con gà có công hiệu trị bệnh, chân gà cũng là một vị thuốc hay, đặc biệt với cánh đàn ông, nó có tác dụng bổ dưỡng, mạnh sinh lực, cường gân cốt.
Xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc để các quý ông tham khảo.

Bài 1: Canh chân gà với lạc nhân

Chân gà 10 cái, lạc nhân 50g, gừng lát mỏng 5g, rượu 20g, hành 10g, mỡ gà, muối tinh, mì chính vừa đủ. Chân gà chặt bỏ móng, bóc da rửa sạch cho rượu gừng nước vào đun 1/2 giờ rồi cho lạc vào, cho vừa gia vị, đun nhỏ lửa, hầm 1,5 giờ - 2 giờ. Sau đó cho hành, mì chính, tưới mỡ gà, múc lên bát ăn nóng.

Công dụng: tăng khả năng tình dục cho nam giới.

Bài 2: Chân gà xào mộc nhĩ trắng


Chân gà 5 đôi, mộc nhĩ trắng 1 cái to, nấm hương 5-6 cái, thịt nạc vai 100g, cà rốt tỉa 5-6 khoanh, bột đao 1 thìa cà phê, hành tỏi khô 1/2 củ, mỡ nước (hay dầu ăn) 3 thìa. Nước mắm, bột canh, hạt tiêu, mì chính, rau mùi, gừng, rượu. Chân gà đã rút xương, tẩy qua gừng rượu, ướp với nước mắm, bột canh, hạt tiêu và bột đao. Thịt nạc vai thái mỏng, ướp giống như ướp chân gà. Mộc nhĩ trắng, nấm hương ngâm nở, rửa sạch. Cà rốt tỉa trần chín. Tưới mỡ láng chảo đun nóng già, phi thơm hành tỏi bỏ chân gà và thịt xào chín xúc ra. Mỡ còn lại xào mộc nhĩ trắng, nấm hương, cà rốt, nêm đủ các gia vị và chế thêm vài thìa nước cho chín đều mới trút chân gà và thịt vào đảo đều lên là được. Xúc vào đĩa rắc hạt tiêu, rau mùi, ăn nóng.

Công dụng: đại bổ khí huyết, tráng dương ích tinh.

Bài 3: Chân gà hầm đậu đen


5 cặp chân gà, 300g đậu đen, 50 hạt mướp, 100g nếp hương, gia vị. Chân gà sạch, bóc lớp da vàng cứng ở ngoài, bỏ móng, đập dập chân gà. Đậu đen ngâm qua đêm cho nở, hôm sau rửa lại cho sạch. Cho các thứ vào nồi, cho nước để nấu cháo đủ ăn. Nấu cháo nhừ nhuyễn, ăn nóng với tiêu, rau thơm.

Công dụng: bổ gân xương, tráng dương, bổ thận.

Bài 4: Chân gà hầm sâm quy

Chân gà 1 cặp, nhân sâm 1 củ, đương quy 8g, hạt sen 10g, ý dĩ 10g. Hầm nhừ, nêm đủ gia vị là ăn được.

Công dụng: mạnh gân xương, tăng cường khí huyết, chống lão suy, bổ thận cốt tinh.

Bài 5: Canh chân gà, lạc, xương chó

Chân gà 1 đôi (khoảng 250g), lạc 30g, xương sống chó 20g, táo đỏ 4 quả, trần bì 3g. Nhúng chân gà vào nước sôi, lột bỏ màng, chặt móng, rửa sạch. Rửa sạch xương sống chó, trần bì, lạc, táo đỏ. Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi, cho lượng vừa nước, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ hầm khoảng 2 giờ, nêm gia vị là được.

Công dụng: Bổ thận kiện tỳ, cường gân cốt, thích hợp với chứng tê liệt do thận khuy khí như triệu chứng cơ thể mệt mỏi vô lực, gầy yếu, lưng mỏi mềm đi lại không vững, khớp xương tê đau, tình dục suy giảm.

Bài 6: Canh tủy sống lợn, chân gà

Tủy sống lợn 4 cái, chân gà 8 cái, ba kích thiên 30g, ngưu tất 60g, sinh khương 4 miếng, táo đỏ 5 quả. Rửa sạch tủy sống lợn, nhúng sơ qua vào nước sôi, chân gà bỏ da, móng rửa sạch. Rửa sạch ba kích thiên, ngưu đại lực, sinh khương, táo đỏ (bỏ hạt). Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi, cho vào lượng vừa nước, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ hầm 3 giờ, nêm gia vị là được.

Công dụng: Chân gà cường gân kiện cốt, bổ thận dương, chữa suy giảm tình dục.

Hến xúc bánh tráng



TìmNhanh! - Ai đã thử qua các món hến ở Huế sẽ mãi không quên hương vị đặc biệt của con hến, mùi thơm cay nồng của hỗn hợp gia vị tiêu, ớt, chanh và rau răm. Món hến ăn kèm bánh tráng mè đen dòn rộm (bánh đa) lại càng thêm hấp dẫn.
Nguyên liệu:

200 g hến làm sạch để ráo
1 củ hành bằm nhỏ
2 nhánh lá rau răm, cắt nhỏ
1/3 chén đậu phộng rang, giã nhỏ
1 thìa hành phi vàng
3 quả ớt hiểm, thái mỏng
1 quả chanh
1 muỗng dầu ăn
1 muỗng nước mắm, đường, tiêu
1 cái bánh tráng mè đen nướng dòn

Cách làm:

Đãi sạch hến, vắt nhẹ cho ráo. Đun dầu sôi trên lửa lớn, phi hành thơm vàng, cho hến vào xào nhanh tay trong 5 phút. Cho hành lá, mắm, đường và tiêu vừa ăn. Tắt bếp.

Vắt chanh, rau răm và ớt vào hến đảo đều. Rắc đậu phộng và hành phi lên trên. Dọn ăn nóng cùng bánh tráng.

Cơm gà Tam Kỳ



Mảnh đất Tam Kỳ (Quảng Nam) đã gắn liền với món cơm gà. Dù không kiếm được loại gà ở đây, bạn cũng có thể học cách chế biến món ăn ngon này.
Nguyên liệu:
- 1 con gà ta nhỏ
- 3 bát ăn cơm gạo dẻo, nếu gạo không được dẻo, bạn trộn vào gạo ít nếp
- Hành tây, rau răm, rau thơm, bột nghệ, muối, hành hương và mùi
- 1 miếng gừng nhỏ, 1 quả ớt, nước mắm và chanh.

Cách làm:

Bước 1:

Gà rửa sạch với muối, lấy muối chà sát cho gà được sạch.

Đổ nước lạnh ngập mặt gà, luộc gà cho chín, lúc luộc cho vào chút muối, bột nêm, nửa củ hành tây, bột nghệ cho gà vàng đẹp.

Gà chín đậy nắp cho gà được trắng.
Bước 2:

Gà nguội lấy tay xé nhỏ.

Bước 3:
Hành tây cắt mỏng ngâm với nước đá lạnh tác dụng làm hành giòn, không có mùi hăng.

Bước 4:

Rau răm, rau thơm, mùi thái nhỏ để riêng.

Bước 5:


Gạo và nếp trộn chung với nhau, sau đó để ráo nước. Đổ nước luộc gà xâm xấp mặt gạo, cho vào nồi cơm điện. Nấu chín như nấu cơm bình thường.

Bước 6:

Gừng giã thật nhuyễn hòa với đường, nước mắm, ớt cho hơi ngọt, mặn đậm đặc. Lúc nào ăn, chan nước mắm gừng vào cơm, dùng kèm với thịt gà và cơm.

Bước 7:

Gà xé nhỏ, nêm vào tiêu, muối, bột nêm, vài giọt chanh trộn đều cho thấm gia vị. Lúc nào gần ăn, trộn hành tây, rau răm, rau thơm, hành hương phi vàng.

Khi ăn, bạn múc cơm ra đĩa, để ít thịt gà để bên cạnh, rưới ít nước mắm gừng lên bề mặt cơm, trộn đều lên dùng nóng.

Kim chi dưa chuột siêu tốc




Khác với các món kim chi bạn thường thấy như kim chi cải thảo, bắp cải hay củ cải - bạn phải chờ vài ngày mới ăn được; thì kim chi dưa chuột bạn có thể ăn ngay trong ngày!
Nguyên liệu:

- 1,2kg dưa chuột, loại ruột càng đặc càng tốt
- 1 thìa canh muối tinh
- 3-4 nhánh hành lá, cắt khúc khoảng 3cm
- 1,5 thìa canh ớt bột Hàn Quốc (gia giảm tùy sở thích ăn cay nhiều hay ít)
- 1 thìa canh nước mắm ngon
- 1-2 nhánh tỏi, bào nhuyễn. 1 mẩu gừng nhỏ, bào nhuyễn.
- 1/2 thìa cà phê đường
- 1 thìa cà phê vừng rang.

Bước 1:

Cắt dưa chuột thành các khúc dài khoảng 3-4cm, rồi bổ mỗi khúc làm 4 theo chiều dọc. Rắc muối, xóc đều lên rồi để khoảng 30 phút.

Bước 2:

Trút dưa chuột ra một cái rây cho ráo; bạn chú ý không xả nước nhé.

Bước 3:

Khi dưa chuột đã ráo, bạn cho ra bát to và thêm các nguyên liệu còn lại vào chung.

Trộn đều để từng miếng dưa chuột đều được bao bởi các nguyên liệu còn lại. Lúc này nhìn dưa có vẻ khô nhưng bạn đừng lo, trong quá trình ướp dưa chuột sẽ tiết ra nước và không còn khô nữa.

Món này sau khi trộn khoảng 30 phút là bạn đã có thể thưởng thức ngay rồi; nhưng để ngon hơn tốt nhất bạn nên đậy kín bát dưa chuột lại, để ở nhiệt độ phòng vài giờ hoặc qua đêm, dưa chuột sẽ ngấm và ngon hơn. Sau khi làm xong bạn cất kim chi dưa chuột trong ngăn mát tủ lạnh, ăn dần trong khoảng 3-4 ngày.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng nhé!