Ngày Tết, thích nhất là có được một đĩa tai heo giòn giòn, sần sật thấm đượm đủ mùi vị chua cay mặn ngọt. Món này lai rai với chút bia hay ăn kèm với cơm nóng, hoặc cuốn bánh đa nem đều không thể cưỡng lại được.
Nguyên liệu:
- Tai heo: 2 cái
- Giấm gạo: 1 chai
- Đường, muối
- Ớt, tiêu hạt, hành khô, tỏi, gừng
Cách thực hiện:
- Tai heo cạo sạch lông, lấy một bát con giấm và muối chà xát vào phần bên ngoài để tai được trắng và sạch. Dùng dao cắt bỏ phần bên trong lỗ tai để không còn mùi hôi, sau đó rửa sạch lại một lần nữa.
- Đun sôi nước, cho tai heo vào trần sơ qua rồi đổ bỏ nước đi, rửa lại với nước sạch một lần nữa. Làm 2 lần liên tục, đến lần thứ 3 thì cho thêm một ít gừng đập dập vào luộc cùng, không nên luộc quá chín vì khi ngâm giấm sẽ bị nhớt.
- Tai heo sau khi luộc chín thả ngay vào bát nước lạnh để tai được giòn và trắng, đồng thời giữ được độ săn, dai của lớp da, ngâm 1 lúc rồi vớt ra để ráo.
- Thái lát hành, tỏi, ớt (ớt bỏ hạt).
- Pha hỗn hợp để ngâm tai lợn: 2 bát nước giấm, 1.5 bát đường cùng với 1 thìa muối, 3 thìa nước mắm, đun sôi hỗn hợp trên.
Có thể nêm nếm gia vị cho hợp khẩu vị, tăng hoặc giảm tuỳ ý, vừa miệng gia đình ăn là được. Nếu muốn ăn đậm đà nên cho 1 thìa muối và 3 thìa nước mắm, loại nước mắm cá cơm không mặn lắm, nếu là nước mắm khác thì phải cho từ từ đến khi vừa miệng thì dừng lại.
Chú ý: Phải chuẩn bị lượng nước ngâm phải đủ ngập để tai heo có thể ngấm gia vị hoàn toàn.
- Sau khi hỗn hợp giấm, nước, đường, muối nguội hoàn toàn, tai heo luộc chín và ráo nước. Cho tất cả cùng một chút tiêu hạt vào lọ thuỷ tinh để ngâm. Sau từ 3-7 ngày là có thể ăn được, nếu muốn ăn sớm thì có thể thái tai heo nhỏ ra để ngấm gia vị nhanh hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét