Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Ăn chay - Tại sao không?

Ăn chay vốn gắn liền với sự thanh tịnh, tao nhã. Chính vì vậy, giữa cuộc sống bận rộn và hối hả, ngày càng nhiều người lựa chọn việc ăn chay như một cách để tìm đến những giây phút bình yên hiếm hoi quý giá.
Ăn chay không chỉ là trào lưu, mà đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc, một thói quen được lan toả ngày càng rộng rãi đối với người Việt. Ban đầu là thử, trải nghiệm, nhưng dần dà, ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, yêu thích và đưa những món ăn chay vào thực đơn hàng tuần, hàng tháng. Sức hấp dẫn của đồ ăn chay không chỉ đến từ cái lạ, cái ngon, mà còn đến từ những lợi ích đối với sức khoẻ. Bằng việc lựa chọn nguồn nguyên liệu sạch, với các món tươi, mát từ rau, củ, quả, ăn chay được xem là một trong những phương pháp tốt để ngăn ngừa bệnh tật, giữ gìn vóc dáng và kéo dài tuổi thọ. Trên thực tế, thực phẩm chay vẫn có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản nhất cho con người như chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, các vitamin và muối khoáng. Vì vậy, nhiều người đã chuyển hoàn toàn từ ăn mặn sang ăn chay để có những bữa ăn sạch và lối sống thanh đạm, tốt cho sức khoẻ.

Các món chay thường mang tới cảm giác thanh tịnh và tao nhã, từ hình thức tới hương vị

Món ăn chay có nhiều cách chế biến, từ đơn giản tới cầu kỳ, và đôi khi còn phụ thuộc vào đôi bàn tay của người đầu bếp để đạt được hương vị thơm ngon nhất. Các món ăn chay ngày càng được đầu tư chuẩn bị công phu, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sơ chế tới các bước thực hiện, trình bày. Điểm thường thấy ở những món chay là hình thức đẹp cùng hương vị “quen mà lạ” – thực khách cứ ngỡ như đang ăn những món ăn mặn thường ngày, nhưng vẫn cảm nhận được những nét riêng đặc biệt, có chút gì đó thanh hơn, nhẹ hơn, tươi mát hơn.
Những món ăn chay “quen mà lạ”, được trình bày công phu, bắt mắt
(Ảnh do nhà hàng chay Thiện Phát cung cấp)

Cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu ngày một đa dạng của thực khách, giờ đây, không khó để tìm được những địa chỉ ăn chay uy tín và chất lượng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nhà hàng thường có một vài món ăn đặc trưng làm nên thương hiệu, với những tên gọi mỹ miều ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên, chất lượng món ăn thôi chưa đủ, mà thực khách đến với nhà hàng còn ấn tượng bởi cái tâm của người đầu bếp. Để làm nên món chay ngon, người đầu bếp cũng phải thành tâm hướng Phật, nấu ăn với cái tâm trong sáng, không vướng bận những hỉ - nộ - ái - ố của cuộc sống thường nhật. Có dịp gặp gỡ với những đầu bếp tại các nhà hàng chay, thực khách như được truyền cảm hứng và tin tưởng hơn vào việc lựa chọn ăn chay như một hoạt động không thể thiếu của mình.
Mâm cỗ chay với những món ăn hấp dẫn là thành quả từ sự tỉ mỉ, kỳ công của người đầu bếp
(Ảnh do nhà hàng chay Thiện Phát cung cấp)
Không chỉ vào những ngày mùng 1, 15 Âm lịch, mà cả những ngày thường, các nhà hàng chay vẫn rất đông khách. Khách có thể tới dùng bữa tại nhà hàng, hoặc mua về để thưởng thức cùng gia đình. Phong cách phục vụ nhã nhặn, nhẹ nhàng cùng không gian thanh tịnh, không ồn ã, xô bồ cũng là những lí do khiến thực khách ngày một yêu mến và thường xuyên ghé chân tới các quán chay, như tìm về chốn bình yên cho tâm hồn.
- See more at: http://vng.minisite.zapto.org/View/An-chay--Tai-sao-khong/6599.html#sthash.n29SlGyt.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét