Bánh chưng là món ăn không còn xa lạ với mỗi người dân Việt Nam. Thế nhưng mỗi vùng miền lại có một cách làm bánh chưng khác nhau, mang nhiều sắc thái hương vị khác nhau mà không phải ai cũng biết.
Bánh chưng vuông
Bánh chưng vuông là loại bánh quen thuộc nhất là với người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lá dong được đặt vào khuôn hình vuông, bẻ góc lá cho vuông vức. Sau đó đổ gạo nếp đã ngâm từ trước vào. Ở giữa sẽ là nhân bánh gồm thịt ba chỉ đã tẩm ướp gia vị, hạt tiêu và một lớp đậu xanh.
Bánh tét
Bánh tét hay còn gọi là bánh chưng tròn, một số vùng trung du và miền núi phía Bắc còn gọi là bánh chưng tày. Bánh tét, có nơi gọi là bánh đòn, là một loại bánh trong ẩm thực của cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Bánh tét có nét tương đồng với bánh chưng ở miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong. Bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh. Bánh tét nhân ngọt với nhân chuối hoặc đậu xanh, loại này thường chỉ thấy ở miền Nam.
Bánh chưng gù
Bánh chưng gù giống như một phiên bản hài hòa giữa bánh tròn và bánh vuông. Nó không tròn hẳn mà cũng không vuông hẳn, hình dáng thuôn hai đầu và lưng bánh cộm nên được gọi là “bánh chưng gù”. Loại bánh này thường có trong mâm cơm ngày Tết của các dân tộc sinh sống ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai… Nhân bánh thường chỉ có gạo và thịt, ít có đậu xanh.
Bánh chưng cẩm
Loại bánh này là đặc sản của người Tày ở vùng Bắc Sơn - Lạng Sơn. Bánh chưng đen thu hút thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên với màu đen kì bí. Đó là một màu đen tím như hạt nếp cẩm nhưng lại rất mềm và dẻo, vị thanh mát. Vào tháng 10 Âm Lịch, khi gặt vụ mùa xong, người Tày tỉ mẩn chọn từng cọng rơm nếp to, mọng, vàng đem về rửa sạch bằng dòng nước suối tinh khiết chảy từ trong khe núi. Sau đó, phơi khô và đem đốt thành tro, vò mịn, dùng miếng vải xô rây lấy phần mịn nhất của tro. Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ được trộn cùng với tro mịn từ gốc rơm, rạ sao cho những hạt nếp tròn mây mẩy được bao bọc bởi màu đen của tro.
Bánh chưng đen Sapa
Bánh chưng đen Sapa được gói giống như bánh tét nhưng để làm ra bánh này, gạo phải được ngâm với tro của cây núc nác. Bánh sau khi chín sẽ có màu đen rất đẹp. Hơn nữa, bánh ăn còn thanh mát, không bị nóng ruột vì tác dụng kiềm chế, khử chua của cây núc nác. Du khách đến Sapa độ giáp Tết đều muốn thưởng thức loại bánh chưng đặc biệt này.
Bánh chưng gấc
Bánh chưng gấc là một sự sáng tạo của các bà nội trợ. Gạo để làm bánh được trộn với ruột gấc, khi chín lên màu đỏ như xôi gấc rất bắt mắt. Bánh chưng gấc không chỉ ngon miệng, đẹp mắt mà còn có ý nghĩa đem lại vận “đỏ” trong năm mới cho gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét