Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Chuyên gia chia sẻ cách ăn chay khoa học, lành mạnh

Xã hội hiện đại, nhiều người có xu hướng ăn chay. Nhưng ăn như nào cho khoa học, không phải ai cũng biết. Các chuyên gia cho rằng ăn chay chỉ thực sự tốt khi ăn một cách khoa học.
Ăn chay như thế nào để tốt cho sức khỏe không phải ai cũng biết.

Ăn chay để khỏe

Chị Vũ Thu Hường trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự, khoảng 1 năm nay chị chuyển sang ăn chay để giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể trạng.
Ngày trước, chị chỉ ăn chay vào ngày 1 và rằm hàng tháng. Nhưng đến giờ chị Hường chuyển sang nấu món chay ở nhà. Chồng và mẹ chồng chị cũng ăn cùng, chỉ có hai con nhỏ ăn chế độ riêng.
Bác Trần Thị Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, khoảng 2 năm nay bà cũng ăn chay để bảo vệ sức khỏe.
Bà Hà bị mỡ máu và tim mạch nên từ khi chuyển sang ăn chay bà cảm thấy mình khỏe hơn. Bệnh gan nhiễm mỡ cũng không gây phiền phức nhiều.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Trường Khanh, trưởng Khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, ăn chay để giảm bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ là không hợp lý. Bởi ngày nay người dân ăn chay công nghiệp, các món chay chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Dù giảm được lượng protein, cholesterol động vật nhưng năng lượng nạp vào còn lớn hơn dẫn tới tích tụ mỡ.
Theo chuyên gia, Thạc sĩ Ngô Dũng Tuấn, Trường Đại học Y Hà Nội,  quan niệm ăn chay trên thế giới chia làm hai loại rõ ràng: Ăn chay không sát sinh và ăn chay toàn thực vật.
Ăn chay không sát sinh động vật họ cho phép mình ăn cả trứng và sữa. Trường phái thứ hai là ăn chay thực vật, không ăn tất cả những gì có nguồn gốc động vật.
Thạc sĩ Tuấn cho biết, rất nhiều người hỏi ăn chay có lợi sức khỏe không? “Bản thân tôi là người quảng bá việc ăn chay nhưng ăn chay có thể có hại nếu ăn không khoa học" – thạc sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ăn chay như nào là khoa học?
Theo thạc sĩ Dũng, chế độ ăn chay khoa học là không ăn các loại thực phẩm thông qua chế biến hiện đại làm cho thực phẩm mất hết tính tự nhiên của nó.
Ví dụ như không ăn bánh quy, bánh kẹo, mì ăn liền, bim bim..., tuy làm từ thực vật nhưng có hại. 
Không chỉ thế, ở nhiều nhà chùa, các nhà hàng ăn chay có nhiều phụ gia thực phẩm như mì chính, bột nêm và sản phẩm chay công nghiệp do Đài Loan và Trung Quốc sản xuất. Điều này không tốt cho sức khỏe. ​Có không ít nhà sư ăn chay nhưng vẫn bị tiểu đường.

Thạc sĩ Tuấn nhấn mạnh, ăn chay khoa học là ăn chay các sản phẩm thuần tự nhiên, không được chế biến kỹ. Các sản phẩm này phải được trồng hữu cơ, không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật là tốt nhất.
Nên ăn gạo để nguyên vỏ cám vì rất có lợi, chữa được cả bệnh nan y. Không ăn gạo xát trắng quá, thành có hại.
Và quan trọng nhất, kẻ thù số một của ăn chay là đường trắng. Khi ăn chay khoa học nên ăn đồ ngọt tự nhiên, như mật ong, mật mía.
Thạc sĩ Tuấn cho biết anh ăn chay 10 năm, đến giờ anh cảm thấy mình rất khỏe: "Ai hỏi tôi ăn chay có khỏe không, có đủ chất dinh dưỡng không, sau 10 năm ăn chay tôi cảm thấy sức khỏe tốt kinh khủng. Trời lạnh không cần mặc quá ấm, mùa đông như mùa hè, tập luyện thể thao đều đặn.
Có rất nhiều bằng chứng người ăn chay là người khỏe nhất thế giới, thông minh nhất thế giới. Về mặt sức khỏe, ăn chay khoa học rất có lợi cho sức khỏe".
Đối với người Việt, thạc sĩ Tuấn tư vấn, ăn chay khoa học rất dễ bởi gạo nguyên cám không quá xa lạ. Thứ nữa, nước ta có các loại rau củ quả phong phú, nhiều loại rau. Tốt nhất nên ăn các loại rau và các loại hạt như đậu tương, đậu xanh, vừng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét