Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Cha đẻ KFC: Tay trắng ở tuổi 65

  Với gần 19.000 cửa hàng KFC (tính đến 2014) trên khắp thế giới, khách hàng có lẽ quá quen thuộc với hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ và nụ cười phúc hậu in trên vỏ hộp.

Người ta tán dương KFC vì hình ảnh dễ nhớ và cho đây là một chiến lược marketing hay. Ít ai biết rằng, ông già ấy từng là một con người bằng xương bằng thịt.

Đó là Harland Sanders - người sáng lập ra thương hiệu KFC và cha đẻ của món gà rán với “vị ngon trên từng ngón tay” (finger lickin’ good – slogan KFC). Câu chuyện đời của ông ly kỳ không kém gì tiểu thuyết.

Ông già râu tóc bạc phơ và nụ cười phúc hậu in trên vỏ hộp chính là cha để của món gà KFC“vị ngon trên từng ngón tay”

Harland Sanders sinh năm 1890 và lớn lên tại một nông trại ở Indiana, Mỹ. Năm 6 tuổi, bố mất, mẹ Sanders phải nhận khâu vá cho hàng xóm và gọt khoai tây ở một nhà máy đồ hợp ở Henryville.Vì thế cậu bé Sanders phải trông 2 em cũng như nhận nhiệm vụ nấu nướng cho cả nhà. Lên 7 tuổi, cậu đã thành thạo trong việc nấu các món rau và thịt.

Năm Sanders lên 12, mẹ cậu tái hôn với một người đàn ông cục cằn. Vì bố dượng không thích con trai, em trai Sanders bị gửi đến sống với dì còn cậu phải đến làm ở một trang trại cách nhà 80 dặm. Sanders nhanh chóng nhận ra cậu thích đi làm hơn đi học, nên bỏ học năm lớp 7.

Năm 1906, khi tròn 16, cậu bé Sanders khai gian tuổi để nhập ngũ và được cử đến Cuba. Công việc của cậu là dọn phân la, và sau 4 tháng cậu được xuất ngũ.

Sanders từng bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ việc trong suốt thời trai trẻ

Quãng đời tuổi trẻ của ông khá lận đận, chuyển chỗ ở thường xuyên và cũng vì thế mà đổi nghề liên tục. Trong hơn 20 năm, ông làm đủ thứ việc, từ dọn vệ sinh, công nhân đường tàu, lính cứu hỏa, cho đến bán bảo hiểm nhưng không việc gì trụ được lâu vì khi thì cãi nhau với đồng nghiệp, khi lại xích mích với chủ. Có giai đoạn ông học thêm môn luật vào buổi tối và hành nghề luật sư được 3 năm, nhưng rồi sự nghiệp kết thúc khi ông cãi nhau với chính khách hàng của mình.

Đến năm 1930,sau khi bôn ba khắp nơi, ở tuổi 40 Sanders dừng chân tại Corbin, Kentucky và mở một cửa hàng dịch vụ trong trạm xăng Shell. Để kiếm thêm ít tiền, ông nấu cả đồ ăn và bán cho những người lái xe. Vì không có chỗ, khách phải ăn ngay trong khu nhà ở chật hẹp của ông. Món gà của ông dần trở nên nổi tiếng khi tài xế truyền tai nhau và cuối cùng ông quyết định mở một nhà hàng 142 chỗ ở quan trọ bên cạnh trạm xăng.

Harland Sanders Restaurant - Nhà hàng gà rán đầu tiên của Sanders

9 năm tiếp theo, ông miệt mài nghiên cứu một loại chảo áp suất để nấu nhanh hơn và giữ cho món gà rán vỏ giòn nhưng thịt vẫn mềm. Ông cũng nghĩ ra một công thức gia vị bí mật tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn (món “gà rán truyền thống” trong KFC ngày nay).

Sanders nấu nướng trong căn bếp của mình

Năm 1950, thống đốc bang Kentucky trao tặng ông huân chương đại tá danh dự vì những đóng góp cho nền ẩm thực địa phương. Ngoài việc kinh doanh nhà hàng của mình, năm 1952, ông còn ký thỏa thuận với Pete Harman, một chủ nhà hàng khác, cho phép ông này bán món “Gà rán Kentucky” - "Kentucky Fried Chicken" với phí bản quyền 4 cent cho mỗi miếng gà bán được. Sau khi món gà trở thành món bán chạy nhất trong thực đơn, Sanders ký thêm vài thỏa thuận với các nhà hàng trong khu vực.

Vị đại tá nghĩ rằng sự nghiệp của ông ổn định từ đây, nhưng rồi 2 biến cố lớn liên tiếp xảy ra. Đầu tiên, phần đường giao nhau ngay trước cửa hàng bị dời sang chỗ khác khiến lượng khách hàng giảm mạnh. Tiếp đó, chính quyền thông báo sẽ xây một con đường cao tốc qua ngay khu vực này. Không còn cách nào khác, ông buộc lòng phải bán nhà hàng dù chịu lỗ. Khoản tiền ít ỏi chỉ đủ để ông trả nợ thế chấp ngân hàng. Năm 1956, ông sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp xã hội ít ỏi 105 USD mỗi tháng. Ở tuổi 65, sau 25 năm gây dựng sự nghiệp, Harland Sanders chính thức mất trắng.

Tượng đại tá Harland Sanders tại Corbin, Kentucky

Tuổi đã cao, cú sốc lớn tưởng sẽ làm ông từ bỏ. Thế nhưng ông vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Hàm đại tá có thể chỉ là danh xưng nhưng ý chí sắt thép của Sanders là thật.

Không còn đủ sức lực cũng như tài chính để mở nhà hàng, ông quyết định phát triển theo hướng nhượng quyền, “dự án bên lề” ông từng làm 4 năm trước.

Và thế là, chỉ với một cái chảo áp suất, một công thức bí truyền, ông đi đến từng nhà hàng, quán ăn trong khu vực, đề nghị nấu thử cho chủ quán. Nếu họ thích món gà của ông, Sanders dự định sẽ cung cấp hỗn hợp gia vị và lấy phí 5 cent cho mỗi suất gà nhà hàng bán được. Có nhiều tài liệu ghi lại rằng, ông phải nghe đến 1009 lời từ chối trước khi nhận được một cái gật đầu.

Công thức do Sanders nghĩ ra chính là vị "gà truyền thống" trong các cửa hàng KFC ngày nay

Dần dần, khi người ta biết tiếng, các chủ nhà hàng đến tận nơi hoặc gửi đơn xin nhượng quyền thương hiệu, Sanders không còn phải đi nữa. Đến năm 1963, có hơn 600 nhà hàng tại Mỹ và Canada bán món gà rán Kentucky.

Biết đến thành công của ông, tháng 10 năm đó, luật sư John Y. Brown, Jr. và nhà đầu tư Jack C. Massey đến gặp Sanders, ngỏ ý muốn mua lại thương hiệu gà rán Kentucky với giá 2 triệu USD (15,1 USD theo giá trị năm 2015). Luật sư Brown kinh ngạc khi biết chỉ có mình Sanders quản lý cả một hệ thống đồ sộ này.

Ban đầu, vị đại tá không đồng ý, vì ông không muốn thấy đứa con tinh thần của mình rơi vào tay những người “kinh doanh chuyên nghiệp”, sợ rằng họ sẽ chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn ông mất bao công sức mới nghĩ ra.

Sanders trong quảng cáo những ngày đầu của KFC

Tuy nhiên, ở tuổi thất thập, ông nhận ra mình không còn đủ sức để giữ một công việc kinh doanh đang phát triển chóng mặt như thế này. Cuối cùng Sanders cũng đồng ý ký hợp đồng vào tháng 1/1965, nhưng ông từ chối 10.000 cổ phiếu trong công ty mới. Ông chỉ nhận làm cố vấn và đại sứ thương hiệu với mức lương 40 nghìn USD (sau tăng lên 75.000 USD) một năm.

Đại tá Sanders chỉ làm đại sứ thương hiệu của KFC, mà không nhận cổ phần của công ty

Ông mất tháng 12/1980, thọ 90 tuổi. Brown gọi đại tá Sanders là "một huyền thoại" và "tinh thần giấc mơ Mỹ".

(Đến năm 1991, thương hiệu Gà rán Kentucky - Kentucky Fried Chicken đổi tên thành KFC – cái tên quen thuộc với hàng triệu người trên thế giới)